Tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh thủy đậu
Đời sống - Ngày đăng : 09:24, 11/01/2018
Điều trị cho trẻ bị thủy đậu. Ảnh: Đình Hòa |
Mấy ngày nay vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hiếu (đường Lê Duẩn, TP. Phan Thiết) khá lo lắng khi con trai 7 tháng tuổi mắc thủy đậu. “Ban đầu thấy cháu sốt cao, quấy khóc, chán ăn và xuất hiện những nốt ban đỏ ở mặt, tay, tôi nghĩ cháu bị sốt phát ban, nhưng sau đó 2 ngày nổi mọng nước rồi lan ra đầu, tứ chi. Các tổn thương trên cơ thể khiến cháu ngứa ngáy, khó chịu”, chị Hiếu nói.
Theo các bác sĩ, số ca nhiễm thủy đậu 90% là trẻ em dưới 15 tuổi, bởi đây là nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, trong khi loại bệnh này lây nhiễm nhanh qua đường hô hấp bằng siêu vi Varicella Zoster Virus (VZV). Chỉ cần người mắc thủy đậu nói, hắt hơi (dịch mũi) hoặc ho, các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi lan đi và dễ dàng bùng phát thành dịch. Thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 10 - 15 ngày, nhiều phụ huynh không biết bé bị nhiễm siêu vi cho đến khi khởi phát thành bệnh, với triệu chứng nổi mụn nước ở khắp đầu mặt, tay chân và cơ thể. Trong vòng 12-24 giờ, mụn nước sẽ nổi trên toàn thân của bé, trường hợp nặng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Bác sĩ Hoàng Văn Hùng cho biết thêm, bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng vaccine. Vì vậy, người lớn và trẻ em trên 12 tháng chưa mắc bệnh nên đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tiêm ngừa để phòng nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, khi vào mùa dịch bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để tránh lây lan; trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm từ 7 - 10 ngày; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Năm 2017 toàn tỉnh có 215 ca mắc thủy đậu, tăng 90,3% so năm trước (năm 2016: 113 ca), trong đó La Gi, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam là những địa phương có số ca nhiễm bệnh cao. |
Thục Anh