Kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp Tết Nguyên đán
Đời sống - Ngày đăng : 10:16, 06/02/2018
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, tình hình phát triển chăn nuôi trâu bò trong năm 2017 ổn định. Riêng đàn heo ước tính số lượng giảm khoảng 3% so cùng kỳ năm 2016; nguyên nhân là do trong năm 2017, tiêu thụ heo hơi trên cả nước hết sức khó khăn vì giá heo hơi giảm mạnh. Ảnh hưởng đến thu nhập, gây thua lỗ cho người chăn nuôi, sản phẩm không tiêu thụ được dẫn đến tình trạng giảm đàn. Những ngày giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm của người tiêu dùng gia tăng. Do đó, giá heo hơi đã nhích lên, phổ biến từ mức 31.000 - 32.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so trước đó.
Theo nhận định của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp & PTNT, thời điểm này cúm gia cầm có nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Do đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch. Các tỉnh, thành căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút cúm gia cầm, tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin… để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Riêng tại Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Vấn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết, hiện nay tình hình chăn nuôi trên địa bàn vẫn ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trong năm 2017, tình hình chăn nuôi có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Theo kế hoạch phát triển đàn gia súc, gia cầm của tỉnh năm 2018: Tổng đàn bò 165 ngàn con, tổng đàn heo 310 ngàn con và tổng đàn dê cừu 37 ngàn con, đàn gia cầm 3 - 4 triệu con. Tỉnh tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh. Trong đó tập trung chỉ đạo công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở heo. Riêng công tác phòng chống dịch hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, lực lượng thú y còn thiếu so yêu cầu công việc, trình độ nhân viên thú y xã chưa đồng đều.
Vì vậy, ngành chăn nuôi đang tiếp tục triển khai có hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường; hình thành và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ con giống, sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, an toàn thực phẩm, giúp người chăn nuôi ổn định.
K.Hằng