Dự án “Cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm bãi rác Bình Tú” vì sao chậm?
Đời sống - Ngày đăng : 16:00, 08/03/2018
Theo Báo cáo số 26/BC-UBND ngày 26/1/2018 về “Công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” của UBND tỉnh thì việc ô nhiễm bãi rác Bình Tú đã và đang được giải quyết như sau:
Để đóng cửa bãi rác Bình Tú, đồng thời giải quyết lượng rác phát sinh trên địa bàn thành phố Phan Thiết và các huyện lân cận, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư (chứng nhận lần đầu ngày 26/5/2015, chứng nhận thay đổi lần thứ 1 ngày 20/6/2016) cho Công ty TNHH Nhật Hoàng để đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác Phan Thiết tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết với mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác với công nghệ xử lý rác hiện đại với quy mô 400 tấn/ngày. Hiện nay nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục để được cấp phép xây dựng, đi vào hoạt động. Trong giai đoạn hiện nay, để giải quyết nhu cầu chôn lấp rác trong thời gian chờ dự án Nhà máy xử lý rác Phan Thiết đi vào hoạt động; ngày 30/01/2015, UBND tỉnh có Công văn số 318/UBND-ĐTQH thống nhất cho gia hạn thời gian sử dụng đất bãi rác Bình Tú tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành đến cuối năm 2020. Đồng thời, nhằm tranh thủ nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho các công trình trọng điểm, bức xúc của tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ dự án cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm bãi rác Bình Tú nhằm chuyển bãi rác hiện tại thành bãi rác hợp vệ sinh và hoạt động đến khi Nhà máy xử lý rác thải thành phố đi vào hoạt động.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập dự án đầu tư, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt dự án Cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm bãi rác Bình Tú tại Quyết định số 263/QĐ-SKHĐT ngày 27/7/2017. Ngày 2/8/2017 UBND tỉnh có Công văn số 2933/UBND-KT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí đầu tư dự án theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích (trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng kinh phí của dự án, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm hỗ trợ 50% từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn hợp pháp khác). Sau khi được Trung ương hỗ trợ vốn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.
H.L