Nâng cao sức khỏe nhân dân qua việc giữ vệ sinh môi trường

Đời sống - Ngày đăng : 08:59, 22/03/2018

BT- Được triển khai từ năm 2012, đến nay phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” (phong trào) đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh.

Bác sĩ Lượng Đức Toàn - Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - sức khỏe trường học Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Giai đoạn 2012 - 2017, phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” được ngành y tế triển khai lồng ghép trong các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia: Dự án “Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”, chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Theo đó mỗi năm sẽ phát động một chủ đề khác nhau nhằm làm thay đổi nhận thức người dân về giữ vệ sinh cá nhân, nhà ở, nơi công cộng... Đã có nhiều hoạt động triển khai mà nổi bật là tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng. Từ truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề tại địa bàn dân cư gắn với hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nhờ vậy người dân đã tích cực tham gia phong trào bằng những việc làm như: Xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định; sử dụng nước an toàn, hợp vệ sinh; rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh dịch bệnh…

Tiếp nối những kết quả trên, phong trào đang triển khai giai đoạn từ 2017 - 2021 với các chỉ tiêu đề ra: 100% trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố triển khai công tác tuyên truyền và xây dựng, nhân rộng các mô hình vệ sinh cá nhân rửa tay với xà phòng, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong cơ sở y tế và nơi làm việc, đồng thời duy trì thực hiện việc kiểm tra, giám sát phong trào. 100% cơ sở cung cấp nước quy mô nhỏ có công suất <1.000 m3/ngày đêm duy trì việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước...

Bác sĩ Lượng Đức Toàn cho biết thêm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã xây dựng nội dung hoạt động, phối hợp với các ban ngành đoàn thể triển khai công tác tập huấn, xây dựng và nhân rộng các mô hình như “Xây nhà tiêu cho người dân miền núi khó khăn”, “Làng xã xanh - sạch - đẹp”, “Tuyên truyền viên cấp xã”, “Ngày chủ nhật xanh”, xây dựng, bảo quản và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh môi trường lồng ghép trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép thông qua các cuộc họp, mít tinh, tập huấn, bản tin, khẩu hiệu, áp phích nơi công cộng; xây dựng tranh ảnh phê phán những thói quen không hợp vệ sinh cũng như hành vi, lối sống không lành mạnh. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về y tế và hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng đề tài vệ sinh và nâng cao sức khỏe...     

    
    Đến năm 2017, toàn tỉnh   có 88,62% trạm y tế có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh,   90,41% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% cơ cở cung cấp nước   công suất >1.000 m3/ngày đêm và 97,67% cơ sở cung cấp   nước có công suất <1.000 m3/ngày đêm được kiểm tra,   giám sát chất lượng nước theo quy định.

Thùy Linh