Không nghi ngờ gì nữa - rau của Thuận là rau sạch!
Đời sống - Ngày đăng : 09:02, 13/04/2018
Hằng ngày, em chạy bàn ở quán cafe gom góp tiền để thực hiện mong ước ấy. Bài báo đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của độc giả. Thế rồi, niềm vui đã đến với em khi bà Võ Thị Minh Thảo, Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã La Gi đã tạo điều kiện cho gia đình em vay nguồn vốn tín dụng đối với hộ thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg. Với số tiền vay lên đến 50 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, Thuận tạm gác ước mơ trồng rau thủy canh vì chi phí ban đầu quá lớn mà bắt đầu trồng rau sạch với nguồn vốn đầu tư thấp hơn. Em đã thuê 2.500 m2 đất tại thôn Phước An, phường Tân An, thị xã La Gi để lập vườn trồng rau sạch.
Những thất bại ban đầu
Thuê được đất, Thuận đã mua lưới, đổ trụ, đào giếng lấy nước tưới. Cơ sở vật chất tạm ổn là thời gian làm đất khá kỳ công. Để diệt ấu trùng trong đất, Thuận làm sạch đất bằng cách ngâm nước trong đất từ 5 - 7 ngày. Sau đó, làm đất tơi xốp và phơi ải đất. Mục đích của việc phơi ải, giúp cho vi sinh vật hảo khí trong đất hoạt động tốt, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng và cây dễ hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất. Ngoài ra, phơi ải đất còn có tác dụng diệt một số mầm bệnh, cỏ dại còn trong đất. Chính vì vậy, hạn chế được sâu bệnh về sau.
Làm đất xong, bỏ hạt vào khay. Sau 2 tuần ra cây, lên luống và bắt đầu trồng. Khi trồng cây con ra ngoài luống, em cẩn thận lựa chọn những cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, loại bỏ cây yếu, chết. Sau khoảng 17 ngày trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch (nếu không bị sâu bệnh phá).
Bùi Viết Thuận trong vườn rau sạch ở khu phố 7, phường Tân An. |
Thế nhưng làm rau sạch lại không đơn giản như thế. Em nói rằng mình đã nếm khá nhiều thất bại. Mỗi lần rau đến ngày thu hoạch gặp sâu bệnh mà xử lý không kịp phải phá bỏ cả vườn rau gây tổn thất một khoản tiền không hề nhỏ. Chán nản, gần như tuyệt vọng vì vốn liếng cứ ra đi, nợ lại chồng nợ. Nhiều lúc cứ muốn buông xuôi nhưng được mọi người động viên, giúp đỡ, ý chí muốn tạo dựng một thương hiệu rau sạch lại bùng lên mạnh mẽ tạo động lực để em khắc phục thất bại và làm lại từ đầu.
Vốn quan tâm đến việc làm rau của em nên tôi vẫn thường xuyên liên hệ thăm hỏi. Một lần, tình cờ nghe chị Thuyết (một nhà vườn trồng rau) kể: “Thằng Thuận đang lao đao vì rau bị sâu bệnh phá. Tôi khuyên nó phun thuốc tiêu diệt để cứu rau nhưng nó chẳng nghe. Vốn ít, toàn tiền vay mượn mà gan thế chẳng mấy chốc phá sản”.
Tôi vội chạy vào khu vườn em thuê mướn. Trước mắt tôi là cả đám rau đang bị lũ sâu hoành hành. Nhìn em bần thần đứng trước thành quả gần đến ngày thu hoạch có nguy cơ mất trắng mà xót lòng.
Thuận nói, nếu làm rau thông thường khi rau gặp sâu bệnh như thế này chỉ cần phun thuốc trừ sâu là ổn. Đã có không ít người khuyên phun thuốc hóa học để cứu vãn vườn rau, nhưng em cương quyết từ chối “thà bỏ lứa rau này chứ nhất định không vi phạm lời mình đã hứa “tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học để ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Có thể lần này khách hàng không biết nhưng lương tâm lại không cho phép. Để mất lòng tin một lần sẽ chẳng bao giờ lấy lại được nữa”. Ít lâu sau, qua điện thoại Thuận thông báo: Đã có cách tiêu diệt lũ sâu mà không cần dùng đến việc vun thuốc trừ sâu. Cách này khá hiệu quả nhưng sâu không chết ngay mà chết từ từ. Một lần nữa tôi lại vào vườn rau của em. Lần này, em vào nhà mang ra 2 can nước, nói: “Chị hãy ngửi xem nó có mùi gì?”. Cúi xuống can nước, tôi vội ngẩng phắt lên vì một mùi nồng nồng ngai ngái, cay cay sực lên mũi. Nhìn tôi, em cười, khuyến khích: “Không có độc tố đâu mà chị sợ. Chị cứ ngửi thử xem nó có mùi gì nào?” “Mùi của rượu”. “Còn mùi gì nữa không?” “Mùi cay cay nghe như mùi gừng, mùi của tỏi, của ớt?”…
5 tiêu chí của rau sạch. |
Em phá lên cười: “Chị cũng tinh đấy chứ. Thứ này là bảo bối giúp em tiêu diệt lũ sâu phá hoại kia”. Thuận cho biết cách xử lý sâu bọ của em hoàn toàn thủ công nhưng khá hiệu quả và tuyệt đối an toàn. Em nói mình tự làm thuốc để phun trừ sâu bọ bằng cách ngâm 1 ký tỏi, 1 ký ớt chung với 7 lít rượu cùng 1 ký gừng ngâm riêng 7 lít rượu. Sau đó, trộn chung hai hỗn hợp trên với nhau trực tiếp phun lên đám rau bị sâu bệnh phá. Khoảng 4 đến 5 ngày sâu bệnh đã bị tiêu diệt. Thế nhưng nếu ruộng rau bị bọ nhảy phá hoại thì dùng biện pháp này xem như thất bại. Để diệt được bọ nhảy, em đã dùng dung dịch Trichoderma mua ở trạm khuyến nông. Đặt bẫy dẫn dụ như trồng cây duy nhất luống rau ấy, khi bọ nhảy tập trung vào dùng thuốc hóa học tiêu diệt, bọ nhảy chết và bỏ luống rau trên làm lại.
Em cho biết thời gian đầu chưa quen xử lý nên đã bỏ cả vườn rau đang lên xanh bị sâu bệnh tàn phá. Sau mỗi lần thất bại, em đã rút ra nhiều bài học cho mình hơn. Lên mạng tìm học hỏi thêm thông tin về cách diệt trừ sâu bệnh an toàn hiệu quả, vào Facebook kết bạn với hội những người yêu rau sạch để học hỏi kinh nghiệm, đăng ký lớp học tập huấn về rau sạch ở trung tâm khuyến nông của thị xã…
Em đã học được khá nhiều kinh nghiệm trồng và chăm bón rau an toàn. Đó là loại rau bao gồm 5 không: không bón phân hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng, không dùng sản phẩm biến đổi gen. Chính vì vậy khâu chăm sóc rất khó. Chỉ việc tưới nước cũng có cả quy trình, tùy thuộc loại cây và thời gian sinh trưởng mà áp dụng các phương pháp tưới nước khác nhau: tưới phun lên cây, tưới rãnh, tưới nhỏ giọt, tưới đủ ẩm không đọng nước… giúp rau sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh hại trên rau.
Nắm được đặc tính của một số sâu, như sâu tơ đẻ trứng và hại mặt dưới của lá, sâu xanh bướm trắng đẻ trứng và hại ở mặt trên của lá... thế nên Thuận đã cùng với hai bạn làm thường xuyên kiểm tra ruộng rau để ngắt bỏ ổ trứng mới nở và giết nhộng của chúng, hạn chế việc sinh sản, nảy nở của sâu.
Gian nan đưa rau sạch tới người tiêu dùng
Với mong muốn đem rau sạch đến tận tay người tiêu dùng nên em trồng khá đủ loại rau như: cải thảo, cải thìa, cải ngọt, cải xanh, tần ô, rau muống, rau dền, bí, bầu… thế nhưng có rau sạch và làm thế nào để phục vụ tận tay khách hàng luôn là bài toán khó khăn với người vừa lập nghiệp như em. Thuận nói, khó nhất với em lúc này là lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Thế nên mỗi tuần, em đều phải gửi mẫu rau vào Sài Gòn để test xem hàm lượng dinh dưỡng của rau đủ (hay thừa) chất gì? Hàm lượng nitrat có đảm bảo?... Chi phí cho một lần test lên đến 500.000 đồng. Thuận nói em buộc phải làm thế để lấy giấy tờ chứng nhận cho khách hàng xem. Khi họ đã đủ lòng tin mình sẽ chẳng cần kiểm tra thủ công như thế này nữa mà tiến tới đăng ký tiêu chuẩn GlobalGAP (hiện chi phí này khá cao).
Dù thế, những bó rau của Thuận mang ra thị trường không thể cạnh tranh nổi với những loại rau khác về giá thành và cả hình thức. Giá rau của Thuận hiện cao hơn giá rau ngoài chợ từ 2.000 - 3.000 đồng/ bó (ví dụ tần ô giá chợ 8.000 đồng, rau của Thuận 10.000 đồng. Rau muống, chợ bán 5.000 đồng, rau này 7.000 đồng…). Đã thế, nhìn bó rau của Thuận kém độ mướt, độ non nên người tiêu dùng không mấy mặn mà. Em chia sẻ: “Bán với giá như vậy thật sự em chưa có lời để trả công người làm và để bù đắp chi phí hư hao khi rau bị sâu bệnh tàn phá. Nhưng giá cao hơn thì người tiêu dùng sẽ không chấp nhận”. Vì vậy, rau không thể bỏ mối ngoài chợ với giá sỉ. Em phải lấy công làm lời bằng cách chở rau đến tận nhà phục vụ trực tiếp cho người mua. Cứ cuối tuần, em gọi điện thoại đến nhà khách hàng để hỏi họ có đặt rau, một tuần sẽ bỏ 2 - 3 lần để đảm bảo độ tươi ngon. Khách hàng sẽ thanh toán tiền một lần vào cuối tháng. Cam kết của em với người tiêu dùng, rau để bên ngoài vài ngày chỉ héo chứ không bị bầy nhầy như những loại rau dùng thuốc khác. Nếu khách hàng ăn vào bị ngộ độc, hoặc phát hiện rau có gì bất thường, em sẽ sẵn sàng chịu phạt ngoài việc không thu tiền rau tháng ấy, còn cung cấp rau miễn phí nhiều tháng tiếp theo. Hiện em đã có khoảng 50 khách hàng quen thuộc đặt rau mang tới nhà thường xuyên.
Có người hỏi: “Sao không liên hệ với siêu thị để bỏ rau?”, Thuận cho biết: “Bỏ cho siêu thị, dĩ nhiên họ bán ra giá sẽ cao hơn. Em muốn người dân của mình được ăn rau sạch nhưng vẫn rẻ”.
Tôi đã giới thiệu một số bạn bè mua rau ủng hộ cho em. Sau khi dùng một thời gian, mấy người bạn của tôi khen: “Rau ngon và rất ngọt!. Mình có thể để dăm ngày rau vẫn không bị úng như khi mua ngoài chợ”.
Sau bao vất vả nhọc nhằn, rau sạch của Thuận đã có mặt trong bữa cơm hằng ngày của một số người dân La Gi. Em ước mong số lượng khách hàng đặt rau ngày càng đông hơn để em có thể lấy công làm lời và phát triển vườn rau sạch ngày một quy mô hơn. Từ đó, giúp người dân trên quê hương mình bớt đi nỗi lo về rau không an toàn như hiện nay.
Phan Tuyết