Cồn Chà, trăm năm còn đó...
Đời sống - Ngày đăng : 14:07, 16/04/2018
Chợ cá Cồn Chà lúc trời mờ sáng. |
Thử tra vài từ điển tiếng Việt, thấy cuốn “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của từ năm 1895 đã ghi nhận từ “chà” như một phương tiện nhử cá, bắt cá. Nói rõ hơn, thì chà là kết cấu gồm: sọt đá làm neo; dây buộc lá dừa cho cá vào trú ẩn; và những cây tre cắm giữa gốc chà - nếu đi trên biển sẽ thấy như “mọc” lên từ nước - để làm phao, báo hiệu quyền sở hữu, đánh dấu vị trí chà. Lúc đầu gọi là xáng chà, sau gọi gọn là chà.
Chà sau khi thả, cần phải được tu bổ thường xuyên. Cội chà là những gốc chà nhiều cá, tồn tại lâu năm. Có những cội chà “tuổi đời” lên tới hàng chục năm. Vùng biển thả chà truyền thống của ngư dân thường có đáy là rạn đá thấp hay bãi sỏi. Con người từ chỗ chú ý đến đặc tính thích tập trung sinh sống ở các xác tàu, hang hốc, đá ngầm… của các loài cá, đã sáng tạo nên những “ổ cá” nhân tạo thả xuống biển, thu hút cá, giữ cá, làm kế sinh nhai.
Nghề mành chà là một trong những nét đặc trưng của nghề cá Phan Thiết. Mành chà thuộc họ nghề lưới vó, buông lưới tại chà, có ưu điểm là không tận thu nguồn cá. Mùa chà thường kéo dài khoảng 6 tháng. Từ Thanh Minh, người ta đã bắt đầu chuẩn bị thuyền, lưới, lá, đá, dây… để kịp thả chà vào cuối tháng 4 (dương lịch), rồi khai thác cá vào đầu tháng 5 lập hạ, và đến cuối tháng 9 thì coi như mãn mùa chà. “Mãn mùa cá nục xa chà/ Bạn mà xa thợ anh mà xa em” - câu ca trên cũng đã nói lên đối tượng đánh bắt chính của nghề mành chà...
Từ chỗ ban đầu vốn để gọi cồn cát ven sông, qua chuyển hóa địa danh theo thời gian, “Cồn Chà” dần gắn với nhiều tiểu loại địa danh khác mà thành “xóm Cồn Chà”, “bến Cồn Chà”, “cửa biển Cồn Chà”, “chợ cá Cồn Chà”, “cảng Cồn Chà”… Xóm biển Cồn Chà vẫn thường được nhắc trong những chuyện kể về khoảng thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này - dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh cuối năm 1910. Những ngày nghỉ, thầy Thành thường đưa học sinh đi thăm thú nhiều nơi, như xuống bãi Cồn Chà, thăm hỏi bà con ngư dân, tìm hiểu kinh nghiệm đi biển, đánh bắt,…
Lược sử Giáo xứ Đức Thắng cho biết, khoảng năm 1956, một biến cố hỏa hoạn đã làm cháy cả khu vực Cồn Chà, trong đó có ngôi nhà nguyện đang xây dở. Đến năm 1992, xóm Cồn Chà lại bị “bà hỏa” ghé thăm. Nhiều người còn nhớ, khoảng 20 giờ ngày 31/12, đám cháy lớn xảy ra trải dài trên 700 m. Theo số liệu của Đảng ủy phường Đức Thắng, vụ cháy đã thiêu hủy hoàn toàn 326 ngôi nhà và tài sản, thiệt hại chừng 10 tỷ đồng, khiến 1.500 người không có chỗ ở. Ban ngành đoàn thể địa phương khi ấy đã cùng nhân dân thị xã vận động quyên góp, chung tay cứu trợ, giúp đỡ bà con sớm ổn định cuộc sống.
Tháng 12/1994, Cảng cá Phan Thiết chính thức được khởi công. Để có mặt bằng xây dựng hơn 30.200 m2, chính quyền đã giải tỏa, di dời dân Cồn Chà về Tiến Đức (Tiến Thành), Gò Me (Thanh Hải) và Khu Văn Thánh. Đến năm 1999, cảng hoàn thành, góp phần vào sự phát triển kinh tế biển của địa phương.
Không chỉ là bến tàu đi đảo Phú Quý và là nơi neo đậu an toàn của hàng trăm tàu thuyền ngày đêm ra khơi “bám biển quê hương”, đây còn là chợ đầu mối hải sản lớn. Những năm gần đây, cảng Cồn Chà cuối đường Trưng Trắc trở thành địa điểm thú vị trong các tour, tuyến du lịch Phan Thiết. Tham quan cảng cá buổi sớm mai, tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt, bốc dỡ hàng hóa, tiếp tế hậu cần, mua bán nhộn nhịp với những mẻ cá, tôm, mực tươi roi rói… thật sự là những trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Nghĩ về Cồn Chà, thật quý khi vẫn còn đó một địa danh lưu giữ nét văn hóa biển đặc sắc của Phan Thiết trăm năm!
PHÚC THỊNH