Thiếu nước sinh hoạt gay gắt ở Dân Trí

Đời sống - Ngày đăng : 08:41, 14/05/2018

BT- Hiện nay, các giếng đào, giếng khoan ven dòng sông Khán đều cạn kiệt, 568 hộ dân thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc đang chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt gay gắt.

Thương lắm dòng sông Khán

Những ngày đầu tháng 5/2018, tôi về thôn Dân Trí, nơi đang khó khăn nhất về nước sinh hoạt vào mùa khô đã 10 năm nay. Anh Nguyễn Đức Anh Tài – phó trưởng thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa cho biết: Toàn thôn có 568 hộ/2.177 khẩu; đời sống nhân dân dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu là nước giếng khoan, giếng đào nằm dọc theo dòng sông Khán. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, thượng nguồn sông Khán bị ngăn dòng để tích nước cho hồ sông Khán với dung tích chứa 2 triệu m3, phục vụ tưới khoảng 350 ha đất nông nghiệp của đồng bào Rai, thôn Dân Hiệp thì dòng sông Khán vùng hạ lưu khô cạn. Vào những tháng mùa khô, mạch nước ngầm ở các giếng đào, giếng khoan cũng cạn kiệt, 568 hộ dân thôn Dân Trí chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Nước là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Do vậy, người dân thôn Dân Trí phải tìm mọi cách để đào, khoan giếng, chắt từng giọt nước ngầm làm cho dòng sông Khán bị đào bới một cách vô tội. Giếng cách giếng 10 - 50 m, rồi 100 m… phía Tây dòng sông một giếng, phía Đông một giếng và có giếng nằm ngay chính giữa lòng sông. Anh Tài cho biết: Để đào mỗi giếng, người dân phải chi phí ít nhất 10 triệu đồng, có giếng đến gần 40 triệu đồng… nhưng hiện tất cả đều khô cạn. Dòng sông Khán chỉ có chức năng dẫn nước, đâu có nhiệm vụ cung cấp mạch nước ngầm. Ấy vậy mà những năm qua, người dân thôn Dân Trí cứ bắt tội dòng sông Khán phải cung cấp nước sinh hoạt.

 Nhà nhà tiết giảm nước sinh hoạt

Chị Nguyễn Thị Phượng ở tổ 7, tiếp chuyện tôi, khi đang dở tay rửa mấy trái dưa non chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi nhìn 3 thau chứa nước rửa, chị liền giải thích: “Nước rửa rồi giữ lại, đánh phèn để tiếp tục sử dụng, ở đây mùa này khan hiếm nước lắm”. Gia đình chị có 5 khẩu, mọi thành viên phải tiết kiệm nước, đảm bảo trung bình mỗi ngày chỉ sử dụng khoảng 100 lít nước. Do kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, không có đủ tiền để chi trả cho dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt tại nhà với giá 120.000 đồng/m3, nên chị luôn tranh thủ mọi thời gian để đi chở nước giếng ở nhà cách xa hơn 1 km với giá 2.000 đồng cho 30 lít nước.

Chị Dưỡng Thị Thanh Mơ ở tổ 7, cho biết: Trước tình hình khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, từ năm 2016 đến nay, một hộ dân trong thôn đầu tư khoảng 100 triệu đồng, đào giếng nước ở cạnh sông Khán và bắt đường ống dẫn nước sinh hoạt phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay nước giếng này cũng cạn kiệt, người dân phải tự xoay xở, đi mua nước ở nơi khác về xài. Riêng gia đình anh Châu Ngọc Thạch ngụ cùng thôn Dân Trí có nhiều may mắn hơn. Hơn 10 năm trước, anh Thạch đã đào một giếng bên cạnh suối Cầu Lăng; giếng đào sâu 7m và rộng 3m, rất nhiều nước dùng quanh năm. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, nắm bắt nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của bà con ngày càng lớn, anh Thạch không cho người dân sử dụng nhờ nữa mà chuyển sang mở dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt tại nhà. Những tháng mùa khô dịch vụ này cung nước sinh hoạt với giá từ 50.000 – 120.000 đồng/m3, tùy theo hộ ở gần hay xa.

Thuận Hòa là xã khó khăn của huyện Hàm Thuận Bắc về nguồn nước, và đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cái nghèo cứ đeo bám người dân nơi đây. Toàn xã có 4 thôn, trong đó, Dân Trí là thôn khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Ngoài ra, hiện toàn thôn Dân Trí có đàn bò 1.100 con; 150 con dê và khoảng 15.000 con heo rừng lai; nguồn nước sinh hoạt cho các loài vật nuôi này cũng đang là bài toán khó cho hộ chăn nuôi. Thiếu nước sinh hoạt, các dịch bệnh mùa hè sẽ có cơ hội phát sinh, phát triển, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người và đàn vật nuôi. Đó là điều mà người dân thôn Dân Trí đang lo lắng.

Nguyễn Thường