Xây mới chợ La Gi
Đời sống - Ngày đăng : 12:55, 08/05/2018
BT- Ông Võ Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với chúng tôi thông tin một số tiểu thương tại chợ La Gi có tâm trạng hoang mang, lo lắng xung quanh việc xây dựng mới chợ La Gi.
Trung tâm thương mại của thị xã khá tuềnh toàng. |
Tiểu thương sợ… lầu
Một số tiểu thương đang mua bán tại chợ La Gi tiếp nhận thông tin xây chợ mới với tâm trạng lo lắng bởi chợ La Gi lên lầu, họ bị di chuyển vị trí kinh doanh sẽ mất nhiều mối lái quen biết. Bà Nguyễn Thị Bích - tiểu thương buôn bán trên 20 năm tại chợ La Gi cho biết: Với đặc thù chợ trong phố, xung quanh chợ là phố nên nhu cầu mua bán tăng cao. Do đó, nhiều năm qua việc kinh doanh của tiểu thương rất thuận lợi, có thu nhập. Theo bà, chủ trương xây mới chợ của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, hợp với lòng dân, bởi chợ cũ quá ọp ẹp, không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Xây mới chợ cũng là tạo điều kiện cho La Gi phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, hiện nay một số tiểu thương đang băn khoăn lo lắng rằng liệu sau khi vào chợ mới có buôn bán được như trước nữa hay không.
Bà Bích lý giải, khi chợ mới đi vào hoạt động, các tuyến phố không có người buôn bán mà dồn hết vào chợ thì lượng người bán quá đông, tầng trệt sẽ không đủ. Nếu xây lầu, người bán có suy nghĩ chung rằng người mua ít chịu đi lên lầu. Chính vì vậy, tiểu thương lo lắng, một phần muốn xây chợ nhưng không biết vào chợ rồi có đảm bảo được cuộc sống như trước đây hay không?!. “Người buôn sỉ chỉ muốn mua ở chợ trệt. Nếu bố trí ở tầng trên của chợ mới thì chúng tôi làm sao buôn bán? Tôi thấy nhiều chợ xây tầng cao rất ế ẩm. Ngay như ở chợ Phan Thiết chỉ có tầng trệt buôn bán tạm được, còn tầng lầu phần lớn ki ốt đóng cửa im lìm. Nhiều ki ốt treo biển sang nhượng nhưng cũng chẳng ai để ý tới” - bà Bích lo lắng. Vì là chợ trong phố nên bà Bích đưa ra giải pháp nếu như tận dụng được các tuyến phố hiện nay, xây dựng nhà vòm, không phải che chắn như một số chợ ở miền Tây sẽ rất thông thoáng, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Không chỉ vậy, bà Bích bày tỏ sự bức xúc khi chợ tạm khu phố 5 (chợ Đại Đồng) hoạt động tự phát trên các trục đường Trần Hưng Đạo, La Gi, Hoà Bình. Do là chợ tự phát, không được quy hoạch, địa điểm mua bán dọc các trục đường nên tình hình trật tự và vệ sinh môi trường không được đảm bảo; lượng rác thải hằng ngày tại khu vực chợ là rất lớn. Bà Bích mong muốn thị xã tính toán địa điểm để bố trí, di dời các hộ kinh doanh tại chợ tạm khu phố 5, trả lại sự thông thoáng cho các trục đường tại khu vực. Đồng thời, hạn chế tình trạng người dân “di chuyển” từ chợ La Gi sang chợ Đại Đồng buôn bán. Còn tiểu thương Trần Thị Kim Loan, bán giày dép trên 20 năm nay cho biết: Chị rất ủng hộ việc xây mới chợ La Gi. Tuy nhiên, hiện chị đang băn khoăn việc huy động vốn để đầu tư xây dựng, thời gian huy động như thế nào? Việc đóng góp ra sao? “Trước khi xây dựng chợ tạm, tôi mong muốn thị xã sẽ tổ chức thêm một cuộc họp có sự tham gia đầy đủ của các tiểu thương để được nghe phổ biến rõ ràng hơn về phương án xây mới chợ La Gi cũng như cách thức góp vốn. Bên cạnh đó, tôi cũng lo ngại về việc tiểu thương đóng góp vốn xây dựng nhưng tiến độ công trình không đảm bảo theo đúng kế hoạch sẽ bị chôn vốn. Do đó, tôi muốn biết rõ ràng hơn về phương án dự phòng nguồn vốn xây dựng chợ trong trường hợp thị xã không huy động được nguồn vốn từ tiểu thương”- chị Loan nói.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi, nhấn mạnh: Việc xây dựng mới chợ La Gi không phải là nguyện vọng của riêng tiểu thương mà là nguyện vọng chung của cử tri toàn thị xã. Thời gian qua, nhiều cử tri thắc mắc việc chậm khởi công xây dựng chợ La Gi. Đáng ra kế hoạch thi công chợ vào năm 2017 nhưng do thủ tục hồ sơ bị vướng nên thị xã phải tháo gỡ từng bước. Dự kiến 15/5 này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng mới chợ La Gi triển khai thi công chợ tạm, thời gian thi công 90 ngày. Tuy nhiên, trước khi thi công chợ tạm, thị xã sẽ tổ chức một cuộc họp với sự tham gia đầy đủ của các tiểu thương để phổ biến lại kế hoạch cho tiểu thương nắm rõ. Còn chợ chính, dự kiến được bàn giao mặt bằng triển khai thi công cùng lúc 3 khu A, B, C trước ngày 30/6, thời gian thi công công trình là 360 ngày. Sau khi thi công xong chợ tạm sẽ dời tiểu thương ra để thi công chợ chính, dự kiến thời gian buôn bán tại chợ tạm 1 năm.
Thời gian qua, chính quyền thị xã rất cân nhắc thời gian góp vốn xây dựng chợ. Nguyên nhân là do tiểu thương không chịu góp vốn trước vì sợ chôn vốn. Do đó, để kịp tiến độ theo kế hoạch đề ra, đơn vị thi công sẽ ứng trước tiền làm. Song song đó thị xã sẽ triển khai kế hoạch huy động vốn. Vì số tiền đầu tư chợ La Gi do tiểu thương đóng góp bằng hình thức Nhà nước có mặt bằng đất và thu tiền thuê mặt bằng (ki ốt, quầy sạp) của các tiểu thương kinh doanh trong chợ. Chính vì vậy, thị xã đã tính rất kỹ để đảm bảo quyền lợi tối đa cho tiểu thương. Với số tiền 38,6 tỷ đồng xây mới chợ La Gi, trong đó đã bao gồm 4,4 tỷ đồng xây dựng chợ tạm. Do vậy, thị xã đã tính toán một số nguồn để bù đắp cho chợ tạm, thứ nhất là ứng trước nguồn kinh phí dự phòng, hai là khoản thanh lý tài sản chợ chính và tài sản chợ tạm bù đắp vào và ba là đấu giá mặt tiền. Ông Hoàn cũng khẳng định, sẽ không có chuyện không huy động được vốn của tiểu thương vì qua khảo sát tình hình, đến thời điểm này đã có khoảng 70% tiểu thương đăng ký vào chợ. Cũng có khá nhiều tiểu thương đăng ký nộp tiền 100% để được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước. Về thời gian huy động vốn để xây dựng chợ không quá 5 năm. Lộ trình huy động vốn được chia thành 5 đợt. Cụ thể, đợt 1 đóng 25% khi ký hợp đồng thuê quầy sạp kinh doanh; đợt 2 đóng 25% khi công trình thi công đạt khoảng 50%; đợt 3 đóng 25% khi xây dựng xong công trình; đợt 4 đóng 15% không quá 1 năm kể từ đợt 3; đợt 5 đóng 10% không quá 1 năm kể từ đợt 4. Đối với các tiểu thương khó khăn không đủ tiền nộp theo phương án huy động vốn và có nhu cầu vay vốn thì Banquản lý dự án xây dựng chợ La Gi sẽ tạo điều kiện liên kết với các ngân hàng tại địa bàn, xác nhận nhu cầu vay vốn xây dựng chợ theo mức được xác định cho từng vị trí (Nhà nước không bảo lãnh) cho hộ tiểu thương có mặt bằng kinh doanh trong chợ, để hộ tiểu thương trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với các ngân hàng.
Cũng theo ông Hoàn, trước đây, qua 3 lần lấy ý kiến tiểu thương và 1 lần đối thoại, tiểu thương đã góp ý về thiết kế, cách bố trí quầy sạp, điểm kinh doanh, giá cả thuê ki ốt... Qua đó, đơn vị tư vấn thị xã đã tiếp thu và có chỉnh sửa dự án đầu tư xây mới chợ La Gi. Ví dụ, đầu tiên khu A, B xây 2 lầu để đảm bảo đưa hết tiểu thương vào chợ. Tuy nhiên phương án này tiểu thương không đồng tình nên đơn vị tư vấn đồng ý bỏ lầu khu B. Riêng đối với khu A bắt buộc phải có lầu, nếu khu A bỏ làm lầu nữa thì không thể bố trí đủ số lượng tiểu thương vào buôn bán. Với đặc thù chợ trong phố, khu đất nhỏ hẹp, mỗi khu bao quanh 4 đường nhựa nên không thể bố trí tiểu thương buôn bán ở ngoài chợ sẽ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. “Tiểu thương sợ lên lầu buôn bán sẽ rất khó khăn như ở chợ Phan Thiết. Tuy nhiên, mới đây qua khảo sát chợ Phan Thiết, đặc biệt là tầng lầu khu A, B nhận thấy đường đi lên không thuận, không gian trên lầu không thoáng mát. Do đó, tôi đã chỉ đạo đơn vị tư vấn sẽ rút kinh nghiệm về mặt thiết kế và điều chỉnh đường đi làm 4 hướng để phù hợp với đặc thù của chợ La Gi” - ông Hoàn cho biết.
Riêng về chợ tạm Đại Đồng, thị xã đã có tính toán địa điểm để bố trí, di dời các hộ kinh doanh về chợ mới, trả lại sự thông thoáng cho các trục đường tại khu phố 5. Trước mắt, sẽ xây dựng kế hoạch chuyên đề lập lại trật tự mua bán, kinh doanh, tạm thời sắp xếp ổn định, hợp lý các ngành hàng tại khu vực chợ tạm. Xây mới chợ La Gi là nguyện vọng chung của cử tri toàn thị xã. Đặc biệt hiện nay, La Gi đã là đô thị loại III cần phải có ngôi chợ tương xứng để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương thị xã La Gi triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng mới chợ La Gi từ nguồn vốn đầu tư do tiểu thương đóng góp vào giữa năm 2017. Đồng thời, giao thị xã chủ trì cùng với đại diện tiểu thương thành lập Ban Quản lý dự án xây dựng chợ, triển khai lập hồ sơ thủ tục, dự án đầu tư trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng mới chợ La Gi. Trong đó, cần lưu ý quy mô đầu tư xây dựng chợ, thiết kế các gian hàng và các ki ốt, phương thức đầu tư, cơ chế huy động vốn từ tiểu thương... phải được tính toán hợp lý, kỹ lưỡng. Quá trình triển khai phải công khai, thông tin đầy đủ để có sự đồng thuận cao của các tiểu thương, qua đó hạn chế các khiếu nại, khiếu kiện về sau. |
THU HÀ