Xây dựng nền hành chính hiện đại
Xã hội - Ngày đăng : 08:53, 11/05/2016
Cổng thông tin điện tử tỉnh cập nhật kịp thời văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước. |
Hơn 65 tỷ đồng đầu tư hạ tầng
Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh phí sự nghiệp dành cho CNTT hàng năm hạn chế, tỉnh đã chọn những dự án trọng điểm, những phần mềm có yêu cầu cao, bức xúc gắn với các nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử để đầu tư xây dựng. Đơn cử là cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống một cửa điện tử liên thông cấp huyện; phần mềm quản lý đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội; phần mềm quản lý văn bản và điều hành; phần mềm quản lý thông tin tài liệu lưu trữ; phần mềm quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách... Tổng kinh phí thực hiện các dự án trên 65.401 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí sự nghiệp CNTT tỉnh hơn 22.327 triệu đồng, nguồn đầu tư phát triển tỉnh là 36.289 triệu đồng, nguồn Trung ương hỗ trợ hơn 6.785 triệu đồng.
Từ sự quan tâm đầu tư, đến thời điểm này, 100% sở, ngành, UBND các huyện đã xây dựng và vận hành mạng LAN, kết nối Internet băng rộng; 8/10 huyện có các phòng, ban kết nối với mạng LAN của UBND huyện. Thông qua các dự án CNTT và chương trình cải cách hành chính, UBND tỉnh đã đầu tư đáng kể về máy móc thiết bị cho cấp xã. Tính riêng năm 2015, tỉnh đã đầu tư 381 máy tính để bàn cho cấp xã (mỗi đơn vị 3 máy) và 127 máy scan cho 127 xã, phường, thị trấn, đảm bảo triển khai các ứng dụng dùng chung từ cấp xã đến huyện, tỉnh thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Khối y tế 100% các đơn vị có máy tính; năm 2015 Bệnh viện đa khoa tỉnh đầu tư lắp đặt các thiết bị CNTT, hệ thống mạng máy tính, hệ thống rút phiếu tự động phục vụ công tác quản lý bệnh viện. Đối với ngành giáo dục, 100% các trường THPT, THCS và tiểu học đều được đầu tư máy tính dùng trong công tác quản lý, toàn ngành giáo dục của tỉnh có khoảng 5.625 máy trạm, 225 máy chủ…
Hiệu quả các dự án
Thực hiện mục tiêu đề ra giai đoạn 5 năm (2011 – 2015), dự án CNTT đã tập trung cho nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại. Đáng kể nhất là việc đưa vào sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ kết hợp sử dụng chữ ký số đã giúp giảm chi phí hành chính. Đến nay, tỉnh đã cấp 51 tên miền cấp tỉnh và 20 tên miền cấp huyện với 9.850 tài khoản. 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố được cấp hộp thư điện tử và triển khai tốt hệ thống thư điện tử công vụ. Cùng với đó là việc đưa vào sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã góp phần thay đổi tác phong lãnh đạo, từng bước chuyển phương cách lãnh đạo từ thủ công truyền thống sang phương thức chỉ đạo, điều hành qua mạng. Hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông cấp huyện được các địa phương vận hành khá tốt vào giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 10 huyện, thị, thành phố với 2 cấp huyện và xã…
Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành chính quyền điện tử. Mọi trình tự thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch, giúp người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả công tác này, thời gian tới Bình Thuận sẽ tăng cường các giải pháp triển khai phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung một cách đồng bộ đi đôi với tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện ứng dụng CNTT trong 5 năm, từ 2016-2020 là 173,263 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 90% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy vi tính; 100% các đơn vị cấp sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố được đầu tư nâng cấp mạng LAN, kết nối vào mạng WAN của tỉnh… Đảm bảo 100% cơ quan đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp… |
THU HÀ