Duy trì cấp nước thủy điện về hạ du để phục vụ sinh hoạt, sản xuất
Đời sống - Ngày đăng : 09:25, 30/05/2018
Kênh thuỷ lợi Giang Mâu - Hồng Sơn phát huy hiệu quả tưới |
Nhiều vùng thiếu nước
Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang được giao quản lý sử dụng 38 hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn tại các địa phương trong tỉnh. Theo kế hoạch cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian còn lại của mùa khô 2018 là 29.346 m3/ngày đêm/32.145 m3/ngày đêm theo công suất thiết kế. Trong đó, một số công trình chủ yếu như công trình cấp nước Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) có kế hoạch cấp nước 640 m3/ngày đêm. Hiện nguồn nước thô không đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, phải bổ sung; công trình cấp nước Sơn Mỹ (Hàm Tân) không đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, phải bổ sung nước sạch từ Nhà máy nước Tân Thắng và La Gi… Riêng Nhà máy nước Long Hải (Phú Quý) không đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, cần phải nâng công suất nhà máy nước để bổ sung nguồn nước sạch. Nhu cầu sử dụng nước của huyện đảo có thể hơn 2.000 m3/ngày, nhưng chỉ được cấp phép khai thác hạn chế 680 m3/ ngày.
Tại một số địa phương, do ảnh hưởng bởi tình hình nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay, gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở một số vùng. Đơn cử, tại xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết), do nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân xã Thiện Nghiệp chỉ sử dụng từ hệ thống nước Thiện Nghiệp với công suất thiết kế là 507 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước hiện nay của nhân dân trên địa bàn là 1.500 m3/ngày đêm. Trong khi đó, hệ thống nước Thiện Nghiệp chưa đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến ống cấp nước chính để đảm bảo công suất cấp nước phục vụ theo nhu cầu sử dụng thực tế. Tại huyện Hàm Thuận Nam, khu phố Nam Thành, thị trấn Thuận Nam và thôn Hiệp Nghĩa, Hiệp Tân, xã Tân Thuận thiếu nước tưới cho khoảng 600 ha cây thanh long, nguyên nhân do các khu vực canh tác thanh long trên do người dân tự ý sản xuất, không nằm trong kế hoạch cấp nước của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi từ đầu năm…
Duy trì lưu lượng chạy máy
Để đảm bảo canh tác thắng lợi vụ hè thu 2018, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian còn lại của mùa khô 2018, Sở Nông nghiệp&PTNT đã kiến nghị Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Tổng cục Thủy lợi, Công ty Thủy lợi Đại Ninh, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi quan tâm duy trì thời gian và lưu lượng chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của 2 nhà máy thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận - Đa Mi để bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh và TP. Phan Thiết. Cụ thể, Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi xem xét duy trì lưu lượng chạy máy bình quân trong tháng 5/2018 là 31 m3/s; tháng 6 /2018 là 34 m3/s và thời gian có chạy máy tối thiểu tháng 5 là 15 giờ/ngày; tháng 6 là 15 giờ/ngày.
Đối với Nhà máy thủy điện Đại Ninh, xem xét duy trì lưu lượng chạy máy bình quân trong tháng 5 là 18 m3/s; tháng 6 là 8,0 m3/s; thời gian có chạy máy tối thiểu trong tháng 6 là 8 giờ/ ngày. Đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT cũng kiến nghị Tổng cục Thủy lợi tham mưu cho Bộ Nông nghiệp & PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí chống hạn cho địa phương trong vụ hè thu 2018 để Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi triển khai nạo vét các tuyến kênh trục chính, cửa lấy nước đầu mối các trạm bơm, hồ chứa, đập dâng nhằm tăng năng lực lấy và cấp nước. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư nâng cấp nhà máy, mở rộng tuyến ống cấp nước trong các hệ thống nước sinh hoạt nông thôn, đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân theo nhu cầu sử dụng trong mùa khô 2018 và những năm tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề cấp nước sinh hoạt và sản xuất, mới đây Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Thuận. Theo Sở NN & PTNT, tổng lượng nước thô từ công trình thủy lợi cung cấp phục vụ sinh hoạt và hoạt động khác từ đầu năm đến nay là 8.367.130 m3. Ông Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị vụ hè thu 2018, Sở NN & PTNT cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt theo kế hoạch. Đối với vùng khô hạn như Bình Thuận, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi yêu cầu Sở NN & PTNT cần có kế hoạch dài hơi để chủ động nguồn nước, xây dựng đề án ứng phó hạn hán để định hướng trước cho những vùng thường xuyên hạn hán, thiếu nước.
K.Hằng