Chủ động phòng chống bệnh dại

Đời sống - Ngày đăng : 09:32, 11/06/2018

BT- Trong những năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

 Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế: Năm 2017, toàn quốc có 74 người chết do bệnh dại và 500.714 người phải đi điều trị dự phòng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 16 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố. Tại Bình Thuận, từ năm 2017 đến nay không có người chết do mắc bệnh dại. Tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo chỉ đạt  62% và số người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng hơn 21.692 người.

Để công tác phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả, giảm thiểu trường hợp bị chó cắn, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo và hạn chế lây truyền bệnh cho người, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, phát động Tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại bắt đầu từ ngày 7/5/2018 đến ngày 7/6/2018.  Nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó của địa phương. Ngay từ đầu năm 2018, các địa phương đã triển khai công tác phòng, chống bệnh dại, trong đó ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, tiêm phòng bệnh dại trên động vật. Đến thời điểm này, Chủ tịch UBND cấp huyện đã ban hành công văn chỉ đạo UBND cấp xã thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi của từng hộ gia đình để quản lý, hỗ trợ cho công tác tiêm phòng vắc xin dại. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thú y địa phương tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định. Mặt khác, chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại trên động vật. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp ổ dịch bệnh dại nào trên động vật. Chi cục đã phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường xuyên tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin về các ca nghi dại trên người bị chó cắn và trên đàn chó, mèo. Đồng thời, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị Sở Y tế triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng. Xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông trong phòng, chống bệnh dại trên người cho các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư. Công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn…

K.H