Gia đình - điểm tựa yêu thương của người nhiễm HIV
Đời sống - Ngày đăng : 17:10, 26/06/2018
Theo lời kể của vợ Đức, cách đây hơn một năm anh bị tiêu chảy liên tục. Mặc dù đã được chuyền nước biển, tiêm thuốc nhiều rồi mà vẫn không bớt tí nào. Lúc ấy thân hình Đức chỉ còn da bọc xương, người như tàu lá, nằm liệt giường, chân đi không vững. Mọi người đến thăm ai cũng lắc đầu và nghĩ rằng Đức không còn hy vọng sống nữa.
Gia đình luôn là tổ ấm của mỗi người(ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài viết) |
Đúng vào lúc đau đớn và tuyệt vọng nhất Đức được cán bộ y tế phường giới thiệu đến Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS. Sau khi được khám, xét nghiệm các bác sĩ đã xác định anh bị nhiễm HIV và chuyển sang giai đoạn AIDS. Dù được vợ và những người thân động viên, nhưng khi nghe mình bị nhiễm HIV Đức vẫn không khỏi bàng hoàng. Anh suy sụp hoàn toàn, mọi thứ trước mắt đều như vực đen sâu thẳm. Những ngày sau đó anh luôn sống trong trạng thái lo sợ và căng thẳng. Các căn bệnh khác trong người Đức cũng nhân cơ hội này ngày đêm tấn công, gậm nhấm nốt phần sức lực còn lại của cái cơ thể vốn dĩ cường tráng, vạm vỡ ngày nào. Khi nghe các bác sĩ nói rằng, đó là những bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở người bị nhiễm HIV đã đến giai đoạn cuối thì Đức cứ nghĩ là mình đã ở trong tay của tử thần. Những tia hy vọng mong manh cuối cùng trong đầu anh cũng gần như đã tắt hẳn.
Thật may mắn, Đức đã được các bác sĩ ở Phòng khám ngoại trú tiếp nhận và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, sau đó uống thuốc kháng vi rút (ARV). Nhờ có sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ ở phòng khám ngoại trú và sự tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng giờ, đủ thuốc và đều hàng ngày mà Đức đã khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Điều trị một thời gian, các bệnh nhiễm trùng cơ hội đã thuyên giảm rất nhiều. Từ lúc đó Đức bắt đầu hy vọng, tư tưởng cũng dần thoải mái hơn nên bệnh tình cũng đỡ nhiều.
Khi biết chồng mình bị nhiễm HIV, lúc đầu vợ Đức cũng rất đau khổ, nhưng rồi chị lấy lại được bình tĩnh, chị giải thích để anh hiểu thêm về căn bệnh này, chị cũng chủ động hợp tác cùng các bác sĩ để thực hiện kế hoạch điều trị cho Đức. Chị tâm sự: ở đời này chẳng ai muốn mắc vào căn bệnh này cả, chồng em đã không may mắn bị nhiễm rồi, em không muốn mất đi tổ ấm gia đình, em luôn động viên anh ấy yên tâm điều trị. Từ ngày được nhận thuốc, uống đều đặn thì ảnh đã khoẻ lên nhiều, em cũng mừng. Hàng ngày em vẫn luôn luôn nhắc nhở mọi người rằng những người mắc căn bệnh này cần lắm một điểm tựa, tổ ấm gia đình.
Trong thực tế, nhiều người khi phát hiện ra mình bị nhiễm HIV/AIDS đã bị suy sụp tinh thần, không ít người đã bị sốc, từ đó nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí có người đã không vượt qua được chính mình, tìm đến cái chết. Vì vậy, những người nhiễm HIV rất cần một mái ấm gia đình và sự cảm thông, chia sẻ của tất cả mọi người mà trước hết là những người thân yêu nhất. Hơn ai hết, người phụ nữ luôn là người giữ ngọn lửa ấm trong gia đình.
Truyền thống gia đình Việt Nam từ ngàn xưa tới nay vẫn là cái nôi nuôi dưỡng mỗi con người, là nơi con người ta sinh ra, lớn lên và là nơi con người trú ngụ cả khi hạnh phúc cũng như khi gặp bất hạnh. Trong gia đình có tình thương yêu của những con người ruột thịt sống, gắn bó hằng ngày bên nhau và rất hiểu tâm tính của nhau. Và cũng chỉ có những người thân trong gia đình mới có thể cảm nhận được diễn biến sức khỏe của người bệnh, lo lắng, chia sẻ cùng họ và chăm sóc họ bền bỉ, không quản ngại khó khăn, không mặc cảm. Chính tình thương yêu của những người trong gia đình sẽ làm cho người nhiễm HIV/AIDS nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ gia đình mình và cộng đồng trước đại dịch HIV/AIDS. Mặt khác, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình sẽ giảm bớt thời gian, công sức đi lại và chi phí cho việc chăm sóc người bệnh
Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2018 có chủ đề “Gia đình-điểm tựa yêu thương” với mục đích truyền tải thông điệp: Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc;góp phần tôn vinh, quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, để mỗi người đều nhận thấy rằng gia đình là điều quan trọng nhất, là điểm tựa yêu thương trong suốt cuộc đời.
Hồng Quân
(Tên nhân vật đã được thay đổi)