Làng Chăm ngày mới
Đời sống - Ngày đăng : 08:43, 24/07/2018
Cuộc sống người dân các xã thuần đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình đã khá hơn. |
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Bắc Bình có 3 xã thuần đồng bào Chăm là Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa. Trong những năm qua, đời sống người dân đã có sự thay đổi đáng kể. Điều đó bắt nguồn từ những chính sách đúng đắn, thiết thực mà tỉnh đã ban hành. Nổi bật là Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 27/5/2002 về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ nghị quyết này mà hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp đất sản xuất, hỗ trợ vốn nuôi bò để phát triển kinh tế, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.
10 năm sau khi thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đời sống người dân khá lên nhưng cơ sở vật chất, điện đường trường trạm còn nhiều khó khăn. Lúc này, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ triển khai đã giúp 3 xã phát triển theo hướng hiện đại. Qua việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng các xã đã cơ bản hoàn thiện. 3 xã đều có hệ thống nhà văn hóa từ xã xuống đến thôn. Vì vậy, chất lượng các buổi sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ thể thao cũng được nâng lên. Trạm y tế, trường học đã được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới giúp người dân 3 xã được hưởng dịch vụ tốt hơn. Đường xã và đường liên xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Đường trục thôn và đường liên thôn đã được cứng hóa đến 70%.
Nhờ sự đầu tư của Nhà nước sự chung tay góp sức của người dân mà đến cuối năm 2017, 3 xã thuần đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình đã đạt danh hiệu “xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Việc thực hiện nông thôn mới ở 3 xã còn đạt được một bước tiến mới vững chắc hơn là sự thay đổi về tư duy sản xuất từng bước phát triển mô hình kinh tế tập thể tại địa phương.
Triển vọng mô hình sản xuất hợp tác xã
3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm này đều là những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Người dân ở đây có kinh nghiệm trồng lúa lâu đời cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp năng suất lúa ở đây gần như cao nhất cả tỉnh. Việc sản xuất lúa ở 3 xã Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa đang dần phát triển theo hướng kinh tế hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã sẽ là nơi xâu đầu mối tìm đầu ra cho sản phẩm của xã viên. Tại xã Phan Hiệp, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Công Bình Đức đã có nhiều hoạt động cung ứng vật tư, lúa giống cho xã viên. Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Công Bình Đức và 2 cửa hàng vật tư nông nghiệp Quý Phương và Tấn Sỹ đã ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững trên địa bàn xã với diện tích 3 vụ/năm là 1.566 ha. Ngoài ra, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Công Bình Đức còn chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc để giảm sức lao động. Sau 1 năm hoạt động, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Công Bình Đức đã thu hút được 60 xã viên, quản lý điều hành diện tích 57 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Nhận thấy việc phụ thuộc vào cây lúa sẽ dẫn tới việc kinh tế phát triển chậm, tháng 7/2018, Đảng ủy xã Phan Hòa đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn (2015 - 2020) và đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025, xã Phan Hòa sẽ tập trung phát triển 5 loại cây trồng mới như: cây thanh long; cây ăn trái giống mới (cây mít, xoài, dừa, đu đủ, chuối, mãng cầu và các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao). Trong đó, cây thanh long bố trí sản xuất khoảng 35 ha, hình thành vùng sản xuất hàng hóa ở khu vực đồng Cằng Răng (thôn Bình Thắng), đồng Ruộng Cút (thôn Bình Minh) và cánh đồng Ma Nương (thôn Bình Hòa). Cây ăn trái giống mới (cây mít, xoài, dừa, đu đủ, mãng cầu) 15 ha phát triển ở một số vùng có điều kiện và đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng bền vững đã giúp người dân các xã thuần đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Bắc Bình có đời sống tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng. |
NguyỄn Luân – Kim LỆ