Hàm Liêm: Tri ân người có công với cách mạng

Đời sống - Ngày đăng : 16:35, 27/07/2018

BTO- Kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7), nhà truyền thống cách mạng xã Hàm Liêm nhộn nhịp người ra vào. Không chỉ có thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng mà hàng trăm bạn trẻ cũng tranh thủ thời gian đến nhà truyền thống tìm hiểu quá khứ hào hùng qua hai cuộc kháng chiến trên mảnh đất Hàm Liêm anh hùng.
                
         Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Mai trò chuyện với    tuổi trẻ

 Một xã có tới 928 thương binh, liệt sĩ

Bà Phạm Thị Mai, thương binh ¼, cụt cả hai chân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được xem là một trong những nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Cứ đến ngày giải phóng quê hương hay ngày thương binh liệt sĩ, bà Mai lại có mặt tại nhà truyền thống cách mạng. Bà đến đây không chỉ để nhìn lại những hình ảnh đồng đội, đồng chí đã hy sinh, những kỷ vật của cuộc chiến tranh giải phóng quê hương mà còn là tấm gương giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là lớp thanh, thiếu niên đang độ tuổi cắp sách tới trường… Qua trò chuyện chúng tôi được biết: Ngày 18/3/1968 tổ công tác do Phó bí thư Đảng ủy xã Hàm Liêm chỉ huy xuống bám trụ cơ sở chỉ đạo đánh địch bên trong, không may sau khi tiếp cận căn hầm bí mật ở thôn Phú Bình bị địch phát hiện, chúng liền mở cuộc bao vây, dưới đất có bộ binh, trên không có máy bay trực thăng yểm trợ. Những loạt đạn tiểu liên, trung liên, M79 từ mọi phía xối xả vào khu vực hầm, hòng biến nơi đây thành tro bụi. Đội công tác gồm 5 nam, 1 nữ được trang bị 2 tiểu liên và 3 quả lựu đạn. Trước tình thế nguy hiểm, nhưng tất cả đều quyết không đầu hàng địch. Với cơ số đạn ít ỏi không thể chống cự được lâu nên đánh tháo vượt vòng vây, nhưng các chiến sĩ đều bị bắt, bị thương và hy sinh. Trong đó có chị Phạm Thị Mai, sau khi vượt ra khỏi hầm thì bị một loạt đạn của địch làm chị bị thương cả hai chân. Sau đó, chúng tra tấn, nhưng chị không một lời khai báo. Không làm được gì với nữ cộng sản kiên trung nên địch đã cắt bỏ đôi chân của chị  đến tận háng. Một phần xương máu của các chiến sĩ đội công tác đã để lại tại căn hầm bí mật ở Phú Bình. Hành động dũng cảm của chị Mai đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Anh Huỳnh Văn Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Hàm Liêm chia sẻ: “Trong hai cuộc kháng chiến  chống Pháp và đế quốc Mỹ biết bao người mẹ, người vợ, người cha đã gác lại tình cảm, lợi ích riêng tư của mình để động viên và tiễn đưa chồng con lên đường chiến đấu. Các gia đình không quản ngại gian khổ, bất chấp tù đày để đóng góp công sức, tiền của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bao người con ưu tú đã kiên trung bám trụ và gây dựng phong trào cách mạng trong lòng địch, thoát lý hoạt động và anh dũng chiến đấu ở khắp các chiến trường. Qua hai cuộc kháng chiến giữ nước xã Hàm Liêm đã có trên 712 liệt sĩ, trong đó có gia đình từ 3-5 người con ra đi mãi mãi không về; hơn 216 thương bệnh binh đã gửi lại một phần thân thể trên các chiến trường và tuổi thanh xuân  trong ngục tù của kẻ thù. Toàn xã có 150 bà mẹ có chồng con hy sinh  được nhà nước phong tặng “Mẹ Việt Nam anh hùng”; 4 người con là anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân. Với những chiến công và hy sinh, mất mát đó Hàm Liêm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”…

Đền ơn đáp nghĩa

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, bên cạnh việc nhanh chóng bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh để cây dựng lại quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hàm Liêm đã phát động mạnh mẽ phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, nhằm tri ân những người có công với cách mạng. Đặc biệt là qua hơn 7 năm thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, từ năm 2011 đến nay xã Hàm Liêm đã làm được nhiều việc nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng có công giúp đỡ cách mạng như: Lập hồ sơ phong tặng, truy tặng 74 mẹ Việt Nam anh hùng; lập hồ sơ cho thân nhân thứ yếu nhằm trợ cấp tiền thờ cúng hàng năm cho 185 liệt sĩ; lập hồ sơ đề nghị cho 164 đối tượng chính sách  nhận trợ cấp chế độ tù đày hàng tháng; lập 213 hồ sơ đề nghị cho con liệt sĩ được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh; giải quyết cho 19 đối tượng người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được nhận trợ cấp hàng tháng…

Mặt khác, xã Hàm Liêm đã vận động các tổ chức, cá nhân phụng dưỡng 5 mẹ Việt nam anh hùng và những hộ chính sách gặp khó khăn; tranh thủ nhiều nguồn vốn hỗ trợ của cộng đồng để làm mới, sửa chữa 163 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách chưa có nhà ở; các công trình nhà truyền thống, đài tượng niệm liệt sỉ và công viên, bia chiến tích được xây dựng khang trang…Với những việc làm tri ân đó, Hàm Liêm được huyện Hàm Thuận Bắc công nhận là xã làm tốt công tác thương binh liệt sĩ…

Phát huy truyền thống cách mạng của xã anh hùng, những năm gần đấy xã Hàm Liêm đã tập trung phát triển mạnh kinh tế - xã hội. Năm 2017 xã được tỉnh công nhận là xã nông thôn mới, người dân có mức thu nhập bình quân đầu người 34,5 triệu đồng/năm; hơn 945 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi có mức thu nhập hàng năm từ 80 – 250 triệu đồng. Trong đó, có nhiều thương bệnh binh, người có công là nông dân sản xuất giỏi, trở thành những tấm gương tiêu biểu “người công dân kiểu mẫu” và “gia đình cách mạng gương mẫu” để các thế hệ noi theo, như: Bà Lê Thị Hường, (thôn 1), bà Võ Thị Chức (thôn 2) là người có công với cách mạng, giờ đây tuy tuổi cao, nhưng họ đều là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Hàm Liêm nhiều năm liền.

Lê Thanh