Thương mại hóa sản phẩm dược liệu

Xã hội - Ngày đăng : 15:32, 20/05/2016

BTO- Phát triển nguồn nhân lực y học cổ truyền (YHCT) tập trung đào tạo theo hướng chuyên khoa, cầm tay chỉ việc; tạo điều kiện cho các lương y có các chứng chỉ hành nghề theo quy định. Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân… thương mại hóa các sản phẩm dược liệu, khuyến khích việc nuôi trồng dược liệu, bảo tồn và phát triển vườn thuốc nam… Để YHCT phát triển hơn, cần đổi mới cơ chế tài chính, sớm thực hiện mở thông tuyến khám chữa bệnh YHCT. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân khám chữa bệnh YHCT và sử dụng thuốc có nguồn gốc dược liệu. Kết hợp khám chữa bệnh giữa YHCT và y học hiện đại là phù hợp, dễ thực hiện. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 2166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 (sáng 20/5).

Ngành y dược học cổ truyền đạt được kết quả nổi bật: Thành lập được Cục quản lý y, dược cổ truyền; mạng lưới khám chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT) được mở rộng với  số bệnh viện YHCT tuyến tỉnh tăng từ 53 bệnh viện (2010) lên 58 bệnh viện (2015); 92,7% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở các tuyến đã thành lập khoa hoặc tổ YHCT; tỷ lệ khám bệnh bằng YHCT và kết hợp với y học hiện đại tăng 6,2% so với năm 2010; đáp ứng nhu cầu thiết yếu và quản lý chất lượng về dược liệu, thuốc cổ truyền trên thị trường.

Tại Bình Thuận, có 212 người hoạt động trong lĩnh vực này, tăng 1,9 lần so với năm 2009 (112 người) và có 1 Bệnh viện Y học cổ truyền, 3 bệnh viện có khoa y học cổ truyền, 6 bệnh viện đa khoa huyện có tổ y học cổ truyền lồng ghép liên khoa… Tổng số lượt khám bệnh trong 5 năm là hơn 1,5 triệu lượt. 96 vườn thuốc nam mẫu, nhiều chủng loại theo quy định của Bộ Y tế với tổng diện tích 99.800m2. 107/127 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực có vườn thuốc mẫu. Ứng dụng những bài thuốc quý của đông y, kết hợp tốt giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chuyên sâu chiếm tỷ lệ thấp, trồng và sử dụng thuốc nam tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn, cơ sở vật chất trang thiết bị tại các tuyến huyện xã còn thiếu...

T.Minh