Mùa sò ở xứ Duồng
Đời sống - Ngày đăng : 09:25, 04/10/2018
Tấp nập bãi sò. |
Gian nan nghề lặn
Khi mặt trời chưa ló dạng, người dân xã Chí Công của huyện Tuy Phong đã đổ về con đường mòn hướng ra biển, nơi đó những chiếc thuyền thúng đã dạt vào bờ đợi sẵn. Những vật dụng đã được trang bị đầy đủ, đàn ông nhanh chóng bước xuống thuyền bắt đầu cho chuyến ra khơi lặn sò. Trên bãi bờ, những phụ nữ mắt hướng về biển nơi những chiếc thuyền thúng lênh đênh như cầu mong một chuyến biển thuận buồm xuôi gió, nặng ắp sò về.
Nếu như sự khó nhọc để kiếm được miếng cơm từ rừng được vận vào câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, thì đối với những người làm nghề lặn sò Chí Công, của biển cũng mặn như nước mắt. Như chính những người thợ lặn khẳng định, nghề lặn hấp dẫn bởi đó là một trong những nghề kiếm tiền với mức đầu tư thấp nhất... trong những nghề biển. Vốn đầu tư ban đầu chỉ tầm 4 triệu đồng, nhưng khoản đầu tư đắt nhất mà ai cũng ngầm hiểu, đó là sinh mạng của chính mình. Mặc dù thu nhập hấp dẫn, nếu trúng mánh thì có thể thu về tiền triệu mỗi ngày, nhưng độ vất vả, mạo hiểm thì ít người đủ bản lĩnh để kinh qua. “Nghề lặn sò rất nguy hiểm nhất là nghề lặn dưới nước sâu, còn trông chờ vào hên xui may rủi. Nghề này quan trọng nhất phải có sức khỏe và hết sức thận trọng”, anh Trần Ngọc Thu có thâm niên 23 năm lặn sò ở thôn Hà Thủy 2, xã Chí Công chia sẻ. Trong suy nghĩ của anh Thu cũng như những thợ lặn nơi đây, nghề lặn không dành cho kẻ hiếu thắng, bởi nếu sơ suất là phải trả giá đắt bằng sinh mạng của mình. Nhất là nghề lặn nước sâu dễ gặp bất trắc nặng có thể tử vong hoặc nước ép gây tai biến đến liệt cả người. Nếu nhẹ cũng phải bỏ nghề không ra khơi được nữa. Đó là chưa kể nếu dây hơi bị gấp khúc, bị đứt do tàu cá khác chạy qua vô tình đụng phải, hỏng máy hơi, mất ôxy, thợ lặn chắc chắn sẽ mất mạng trong lòng biển. Bên cạnh những khó khăn, nguy hiểm bởi môi trường làm việc dưới nước, thợ lặn muốn có ăn không chỉ lặn được dưới nước lâu mà phải tinh ý tìm kiếm. Thợ lặn lành nghề phải biết quan sát, đánh dấu những điểm sò cho riêng mình mới tìm được chỗ nhiều sò, nhiều ốc ẩn náu trong lòng biển… Cũng chính vì lẽ đó, mà dân gian vẫn hay ví von gọi nghề lặn là “đổi bát máu lấy bát cơm”. Vất vả là vậy, cuộc sống mưu sinh hàng ngày của những thợ lặn vùng biển Chí Công vẫn lặng lẽ và đã là một nghề gắn bó với mẹ biển để mưu sinh.
Nhộn nhịp chợ sò
Thuyền thúng của anh Thu vừa cập bến chiều hôm nay nhiều nhất là sò điệp, sò quạt và ngao. 4 bao sò trên chiếc thuyền thúng là công sức của 3 người thợ lặn từ sáng sớm đến giờ cũng được hơn 2 tấn sò. Sau khi trừ chi phí thì anh Thu và các bạn lặn kiếm được khoản thu khá nên nét mặt của anh Thu phấn chấn. Bãi sò trải dài ven biển Chí Công nên thường gọi là chợ sò bởi nơi đây các thuyền thúng cập bến đưa sò vào bờ và cân cho thương lái tại chỗ. Khoảng tầm 2 giờ chiều con đường vào chợ sò tắc nghẽn xe cộ chở sò nhộn nhịp vào ra. Hàng trăm người vây quanh từng đống sò đủ loại, nhanh tay phân loại, cân ký, sơ chế rồi bốc lên xe. Những chiếc xe máy chất từng bao sò đến các nậu vựa hải sản. Sò, ngao, ốc được các nậu vựa, doanh nghiệp hải sản tại địa phương thu mua tại chỗ để chế biến tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, một số ít xuất khẩu ra nước ngoài. Sò là nghề mưu sinh của những con người vùng biển xứ Duồng từ đàn ông, phụ nữ đến người già và trẻ em đều sống cùng biển, gia công cạy sò. Bao đời nay, “lộc biển” sò đã giúp người dân nơi đây có nguồn thu ổn định, trẻ nhỏ áo ấm đến trường…
Chí Công là xã ven biển nguồn sò, ốc rất dồi dào đầy đủ các loại hải đặc sản vùng biển Tuy Phong như: ốc giác, ốc nhung, sò dương, ốc đá… nhưng nhiều nhất vẫn là sò điệp, sò quạt, sò lông. Sò Chí Công không chỉ nổi tiếng về chất lượng thơm, ngon, ngọt hơn mà vùng biển này vào mùa khai thác cho sản lượng đến cả trăm tấn làm nên một chợ sò đặc trưng người dân từ rất lâu. |
Thanh Duyên