Chủ động phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi
Đời sống - Ngày đăng : 09:01, 20/11/2018
Chủ động tiêm phòng bảo vệ đàn vật nuôi. |
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay, do chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa nên tình hình dịch bệnh ở các địa phương được kiểm soát tốt. Đến nay, toàn tỉnh chưa xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh trên heo, bệnh dịch tả lợn châu Phi và một số dịch bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng kết hợp mưa ẩm đã ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Một số bệnh truyền nhiễm thông thường như: tụ huyết trùng, dịch tả, viêm phổi xuất hiện rải rác trên đàn vật nuôi các địa phương Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết. Xác định việc tiêm phòng vắc xin và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi là biện pháp tích cực, có hiệu quả cao trong phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm. Ngành Thú y tỉnh đã triển khai tiêm phòng đến ngày 9/11 là hơn 14 triệu liều vắc xin cho đàn gia cầm, trên 177.000 liều vắc xin cho đàn gia súc. Đồng thời làm tốt kiểm dịch, bố trí các kiểm dịch viên tại các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch động vật đạt nhiều kết quả.
Chủ động các giải pháp
Hiện nay cả nước có 2 ổ dịch cúm A/H5N6 tại Nghệ An gây chết 280 con gia cầm, và mới đây nhất ở tỉnh Phú Yên gây chết 2.900 con gia cầm. Thời điểm này thời tiết giao mùa mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, đang chuyển lạnh nguy cơ cho bệnh gia cầm bùng phát. Ông Nguyễn Ngọc Vấn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y cho biết: Trước diễn biến cúm A/H5N6, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên giám sát tới hộ chăn nuôi nhằm sớm phát hiện và có biện pháp kịp thời ngăn chặn không cho dịch bệnh lây lan diện rộng. Chi cục hiện đang triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ bằng vắc xin Navet – viflu có khả năng bảo hộ 80% đối với bệnh cúm H5N6. Cũng như khuyến cáo, tổ chức hướng dẫn các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm. Đối với công tác kiểm soát vận chuyển động vật, nhất là đối với gia cầm, trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ việc chăn nuôi vịt chạy đồng từ các địa phương khác đến tỉnh ta. Chi cục sẽ kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vận chuyển gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia cầm vận chuyển không có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Đồng thời, chỉ đạo các trạm kiểm soát tốt khâu giết mổ chặt chẽ đảm bảo gia cầm bị mắc bệnh không được phép đưa vào giết mổ, tiêu thụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đến nay, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 2 năm 2018 với tổng cộng 1.912 lít thuốc sát trùng được sử dụng, qua đó làm giảm thiểu mầm bệnh trong môi trường. Chi cục khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia cầm cần thực hiện tốt “5 không”: không thả rông gia cầm; không buôn bán vận chuyển gia cầm ốm chết; không ăn thịt gia cầm ốm, chết; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho địa phương để xử lý, tuân thủ đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch.
Bệnh cúm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm type A (H5N6) gây ra, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như: gà, vịt, ngan, chim cút… làm thiệt hại kinh tế. Đặc biệt, cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người gây tử vong. Gia cầm mắc bệnh thường chết đột ngột hàng loạt với tỷ lệ cao trong đàn không có triệu chứng điển hình hoặc có các biểu hiện khác như: Chảy nước mắt, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất, phù đầu và mặt, mắt đỏ, mào và tích sưng to, da tím tái, da chân phần không có lông xuất huyết tím thành vệt, ỉa chảy rất nặng, phân xanh - vàng… |
THANH DUYÊN