Tánh Linh: Đưa 4 mô hình học tập suốt đời vào cuộc sống
Đời sống - Ngày đăng : 10:59, 28/01/2019
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai nhân rộng mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” giai đoạn 2016-2020, trong 3 năm qua huyện Tánh Linh đã gắn phong trào học tập suốt đời của các mô hình trên với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Qua việc triển khai nhân rộng các mô hình học tập, các tầng lớp nhân dân đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, từ đó đưa phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị tại huyện ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Theo đó, kết quả năm 2018 toàn huyện có 15.563 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học” (tăng 9.933 hộ so năm 2015) và đạt danh hiệu 3 năm liền (2016 - 2017 - 2018) là 10.301 hộ; có 13 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ hiếu học” và đạt danh hiệu 3 năm liền là 8 dòng họ; danh hiệu “Cộng đồng học tập” đạt 61% so với tổng thôn, khu phố toàn huyện và đạt danh hiệu 3 năm liền là 41 thôn, khu phố; 62 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập” và đạt danh hiệu 3 năm liền là 54 đơn vị. Từ việc xây dựng các mô hình trên, số học sinh được gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị động viên, khuyến khích học tập thành đạt ra trường trong 3 năm qua là 1.094 học sinh, trong đó 951 học sinh đã có việc làm. Số học sinh bỏ học trong năm học 2014 - 2015 là 121 học sinh (1 học sinh tiểu học và 120 học sinh THCS). Năm học 2017 - 2018 số học sinh THCSbỏ học là 69, giảm 175% so năm 2015. Số người lớn tham gia học tập, sinh hoạt tại Trung tâm Học tập cộng đồng 9.568 lượt người, tăng so năm 2015 là 122%.
Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức giúp người dân nắm bắt về chính sách, pháp luật của Nhà nước; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, việc tham gia đóng góp xây dựng Quỹ khuyến học với cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” ở các cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học đã hỗ trợ kịp thời cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, vượt khó vươn lên trong học tập. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, duy trì chuẩn phổ cập THCS trên địa bàn huyện. Cùng với đó, việc tuyên dương các gia đình hiếu học tiêu biểu, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào học tập suốt đời đã động viên, khích lệ đối với từng gia đình, dòng họ và cộng đồng trong xây dựng xã hội học tập.
N.Hân