Tháng giêng là tháng ra khơi
Đời sống - Ngày đăng : 09:13, 22/02/2019
Sau Tết Nguyên đán, nhiều người vẫn còn tâm lý vui xuân. Nhưng với ngư dân - những người suốt ngày đối mặt với sóng gió hiểm nguy, họ nhanh chóng ra khơi đánh bắt. Bởi thói quen hay lam hay làm với quan niệm chuyến ra khơi đầu năm rất quan trọng, khởi đầu cho vụ mùa của cả một năm.
Ở hầu như khắp các cảng cá, nơi trú đậu các ghe thuyền nhỏ lẻ rộn ràng không khí ra khơi. Trong đó, có cả những tiếng cười của những ngư dân đánh bắt xuyên tết, và xuất bến sớm tết trở về với sản vật đầy ghe. Thuyền viên Lê Hùng ở Đức Thắng chia sẻ: “Nghề biển không giống như những nghề khác, cứ trời êm biển lặng thì đi làm, chỉ nghỉ ngày mùng 1 tết – ngày ông bà kiêng kỵ và biển động. Những ghe đánh bắt xuyên tết, mùng 1 neo đậu lại giữa biển, sang ngày mùng 2 tiếp tục đánh bắt. Đầu năm vào khoảng rằm tháng riêng chủ ghe nào chưa xuất bến, cảm thấy nóng ruột khi mà ai cũng lo ra khơi. Gặp thời tiết tốt có nhiều cá thì khoảng vài ngày chạy về bán lấy tiền, còn ít cá thì kéo dài thời gian đánh bắt thêm”.
Đời ngư dân vốn quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, cứ về nhà vài ngày lại đi. Với ghe đánh bắt gần bờ thường xuyên được về thăm nhà, nhưng đánh bắt xa bờ thì hơn một tháng hoặc vài tháng mới được về nghỉ ngơi lấy sức cho chuyến đi dài kế tiếp. Vì, đặc thù của đánh bắt xa bờ ngư dân thường bán sản vật cho thương lái ngay trên biển rồi tiếp tục đánh bắt, nếu thiếu thực phẩm, nhiên liệu đã có tàu thu mua và Phân đội xây dựng làng chài ở Trường Sa cung cấp với giá bán như ở đất liền. Ngồi chờ con nước lên, anh Tèo – chủ một chiếc ghe đậu ở cảng Phan Thiết nói, đáng lẽ ghe anh xuất bến hôm mùng 6 tết, khoảng giữa tháng 2 (âm lịch) sẽ trở về nghỉ ngơi, nhưng do bận công việc gia đình nên lùi ngày lại. Chuyến đi này ghe của anh đánh bắt tại khu vực giàn khoan Đại Hùng. Hải sản thu được bán cho thương lái Tiền Giang ra thu mua... Thực phẩm, nhiên liệu không thiếu đã có họ cung cấp hoặc lên đảo.
Gần như không khi nào ngư dân được nghỉ ngơi, ngay cả những ngày cuối năm khi nhà nhà chuẩn bị đón tết thì họ tân trang sửa chữa, sơn mới lại ghe thuyền với hy vọng năm mới thắng lợi mới. Thay vì vui tết, họ lại tính ngày ra khơi lấy lộc đầu năm, chọn những ngày tốt, thường là ngày chẵn mùng 2, 4, 6, 8... Lê Ngọc Thành – một chủ ghe ở Ba Đăng (La Gi) cho biết, cuối năm khoảng 24 – 26/12 âm lịch anh nghỉ tết, sơn sửa làm mới lại ghe, sau đó cúng ghe. Nghỉ ngơi ngày mùng 1, sang ngày mùng 2 xuất bến để lấy ngày. Những ngày đầu năm đánh bắt nhiều tôm cá, rất ham, như năm nay nhiều ghe trúng cá cơm.
Mỗi người một nghề, nghề nào cũng có nỗi khổ và khó khăn, với nghề biển cũng vậy, ngư dân khi đặt chân xuống ghe ra khơi gạt bỏ tất cả chỉ say mê với chài lưới. Họ hy vọng mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, không chỉ tháng đầu năm mà suốt một năm.
Lê Ninh