Triển khai dạy bơi cho trẻ: Khó, nên phải linh hoạt

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 06/06/2016

BT - Chỉ trong thời ngắn, liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên khắp cả nước đang là nỗi ám ảnh không nhỏ của hầu hết các bậc phụ huynh. Đã đến lúc việc phổ cập kiến thức bơi lội cho thanh thiếu niên cần được chú trọng và khẩn trương bắt tay vào cuộc để hạn chế thấp nhất những rủi ro về đuối nước.
         
   

      

      Đằng sau sở thích nghịch    nước của trẻ là những rủi ro đuối nước không lường.

Không thể  dạy bơi trên bờ !

 Từ vụ 9 học sinh lớp 6 bị đuối nước ở Quảng Ngãi hồi tháng 4, đến 4 nữ sinh lớp 7 ở Khánh Hòa, 3 học sinh lớp 11 ở Nam Định vào tháng 5. Và vào ngày 17/5 mới đây, thêm vụ đuối nước thương tâm của 3 anh em còn rất nhỏ tại xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh khiến dư luận hết sức xót xa. Nguyên nhân đều do các em chưa biết bơi. Với bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc nên tiềm  ẩn cao những rủi ro về đuối nước. Đặc biệt ở Bình Thuận, ngoài các vùng ven biển, những huyện không có biển như Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc lại có nhiều hệ thống sông, hồ. Nhất là các ao, hồ được hình thành từ các dự án, công trình xây dựng, hoặc thói quen của người dân đào ao trữ nước tưới phòng khi trời hạn. Đây là những nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn đuối nước cho các em nhỏ, nhất là học sinh tiểu học, THCS. Một điều đáng lo ngại là số đông học sinh toàn tỉnh còn thiếu những kỹ năng cơ bản về bơi lội, thậm chí nhiều học sinh chưa được tiếp cận với bể bơi lần nào. Quyết tâm không để xảy ra tai nạn đuối nước trong mùa hè 2016 với tất cả học sinh, UBND tỉnh vừa ban hành công văn phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, sinh viên. Song, để triển khai thực hiện còn là chuyện khác.

Toàn tỉnh trên dưới chỉ có khoảng 10 hồ bơi, hầu hết đều của tư nhân quản lý, nhiều nơi không có một bể bơi nào được xây dựng. Trong khi, việc dạy bơi cho học sinh không thể ở trên bờ mà cần có bể bơi. “Mặc dù ở nhiều trường học đều sát biển, nhưng không thể dạy bơi ở biển, còn chờ có bể bơi để triển khai, không biết đến khi nào”, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Tuy Phong chia sẻ. Ngay như ở trung tâm TP Phan Thiết, hiện tại có 2 bể bơi ở Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể thao và Trung tâm thể dục thể thao Quốc Hùng, nhưng cũng khó đáp ứng yêu cầu cho số lượng học sinh nếu triển khai đồng loạt việc học bơi. “Đưa học bơi vào chính khóa là không thể, nhưng đưa vào dạy ngoại khóa càng khó hơn. Số lượng hồ bơi ít, học sinh tiểu học lại khó khăn khi di chuyển đến các điểm bơi. Với tình hình cơ sở vật chất hiện tại, để triển khai học bơi đại trà cũng phải vài năm nữa”,  lãnh đạo Phòng Giáo dục Phan Thiết cho biết. Về nhân lực dạy bơi cho học sinh, Sở GD&ĐT khẳng định không thiếu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành là cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi, ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết.

Cần linh hoạt, kêu gọi xã hội hóa

Được biết, thời gian qua các huyện, thị, thành phố đã có kế hoạch triển khai phổ cập bơi lội cho học sinh. Tùy từng điều kiện có thể, nhiều nơi đã hợp đồng với các cơ sở tư nhân tổ chức chiêu sinh các lớp dạy bơi cho trẻ, nhất là trong dịp hè song cũng chưa được nhiều. Ông Nguyễn Tấn Lực - Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở VHTTDL) cho biết: Hiện ở Phan Thiết đã tổ chức các lớp bơi lội tại 2 hồ bơi, hàng tháng có 300 - 400 lượt em tới tham gia tập luyện. Riêng trong dịp hè, số lượng nhiều hơn. Ngoài ra, các huyện như Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, La Gi cũng đã tổ chức chiêu sinh mở lớp cho những học sinh có nhu cầu. Nhưng con số này cũng còn rất ít, do mức học phí hơi cao, hơn nữa nhiều phụ huynh cũng chưa mặn mà.

Được biết, để tăng cường phổ cập kiến thức bơi lội cho thanh thiếu niên, học sinh các cấp, Sở VHTTDL đang xây dựng chương trình liên tịch gởi các ngành lấy ý kiến. Với hình thức dạy ngoại khóa và chiêu sinh trong dịp hè tại các hồ bơi, nơi nào chưa có bể bơi công cộng thì liên hệ các doanh nghiệp tư nhân, số lượng tham gia từ 30 - 40 em/lớp. Các giáo viên giảng dạy ở các địa phương sẽ được sở tổ chức lớp hướng dẫn, trước mắt trang bị cơ bản phương pháp tự làm nổi trong nước và kỹ thuật bơi thông dụng cho các em để bản thân tự xử lý khi bị tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, việc dạy bơi cho trẻ cần linh hoạt hơn, không nhất thiết phải chờ có bể bơi. Phải biết tận dụng những ưu thế từ hệ thống biển, sông ngòi tại địa phương, tận dụng các cơ sở vật chất có sẵn hoặc hỗ trợ tiền học phí để thành lập những lớp học bơi ngắn ngày. Đồng thời kêu gọi những đơn vị sở hữu bể bơi chia sẻ trách nhiệm với xã hội…là những việc làm cấp bách và rất cần thiết để dạy và giúp trẻ ứng phó kịp thời khi gặp đuối nước xảy ra. 

Khánh Ngọc