Nhớ mùa lòng tong
Đời sống - Ngày đăng : 14:12, 08/03/2019
Tôi nhớ những năm theo gia đình lên lập nghiệp ở xã Hàm Phú của huyện Hàm Thuận Bắc, tháng 7, trời mưa rả rích, lúa cấy đầu mùa đã bén bùn nẩy gié, màu xanh lúa sớm đã tươi xanh cả lung ruộng trầm thủy. Gọi trầm thủy vì là lung ruộng thấp, nằm dọc uốn quanh co theo các triền nà, mưa sớm tháng 4, tháng 5 là đã có nước, nhà nông làm đất cấy sớm để có lúa ăn và làm được mùa hai vào tháng 9.
Bắt cá lòng tong. |
Từ lúc đầu mưa, các loại cá đồng đã lục tục từ sông, từ suối, từ các ao hồ theo con nước tràn bờ để lên ruộng thực hiện cái việc tự nhiên là duy trì nòi giống. Mang theo cái bụng trứng ấp ủ từ mùa trước, lũ cá lòng tong mẹ tung tăng khắp nơi để đẻ trứng vào bất cứ nơi nào mà theo bản năng của loài cá, chúng cho là cá con nở ra có thể sống và phát triển được. Chân ruộng đang rộng nước để cấy, ao cạn mùa trước giờ mới vừa có nước, khúc suối cạn queo mùa khô bò đàn kéo cả đám đi ăn giờ nước cũng đã đầy. Lũ cá lòng tong con theo từng đàn đi khắp nơi trong ruộng, trong ao, trong suối nhỏ. Đầu mưa, lớp phân bò vương vãi, lớp mùn hữu cơ trong đất, lớp rong rêu trôi nổi dập dềnh theo nước chảy về vùng trũng thấp là thực phẩm nuôi thổi đàn lòng tong lớn vượt lên từng ngày.
Cá lòng tong kho tiêu. |
Lúc đó, thực phẩm cung cấp cho bữa ăn gia đình vẫn còn hạn hẹp, đến mùa cá lòng tong, tôi và vài đứa bạn thường hú nhau đi bắt cá về cải thiện bữa ăn. Cá lòng tong bắt về có thể nấu được nhiều món ngon bình dân theo kiểu đồng quê, nhưng ngon nhất, thấm nhất vẫn là món cá kho lá gừng hay món cá kho hành ớt có thêm ít mỡ. Mang cá về, tôi và đứa em gái đem ra mương nước ngồi rửa sạch, lượm hết các tạp chất lẫn trong cá. Đứa em gái tôi chế biến món này rất ngon, nó đem cá ướp vào nồi cùng với nước mắm hành ớt, mỡ heo xắt hạt lựu, bỏ lên chảo đảo sơ cho ra ít mỡ rồi đổ chung vào kho bắt lửa riu riu. Tháng 7 mưa ngâu, trong cái lành lạnh của gió mưa, bắt nồi cơm nóng gạo Nàng Sậu, mở nắp nồi cá lòng tong vừa kho, mùi thơm ngạt mũi. Cả nhà ai cũng khen: ngon tuyệt vời! Cơm bới mãi không thôi, đến khi đáy nồi còn sót lại dề cơm cháy, món này lại càng ngon hơn, bẻ miếng cơm cháy bằng bàn tay, gắp vài đũa cá cho vào giữa gấp kẹp lại đưa vào miệng nhai nghe giòn rụm. Mùi tanh tanh của cá, mùi cay cay của hành ớt, mùi beo béo của tóp mỡ, trộn lẫn với mùi cơm cháy, đến giờ tôi vẫn nhớ đời với món đồng quê dân dã này.
Bắt cá lòng tong cũng dễ, một cái rổ nhỏ mắt dày, đứng nơi lổ trổ của ruộng đang tháo nước, một chập sau cũng đủ một bữa trưa. Muốn bắt nhiều thì dùng mùng lưới cũ may lại thành cái túi dài, đem chốt ở cuối mương có khi được năm ba ký. Một cách khác nữa là làm sa chặn ngay một khúc suối hay đầu mương lớn, có hôm, cá bắt được nhiều quá, mẹ tôi đem ủ làm nước mắm. Nước mắm cá lòng tong ăn rất ngon, nhiều đạm, độ mặn vừa, mùi vị khác xa với nước mắm cá biển. Cá lòng tong bắt vào tháng bảy, tháng tám là ngon nhất, lúc này cá con vừa lớn to hơn mút đũa một chút, trong bụng không đắng, nấu ăn khỏi cần bóp ruột tốn công. Đến tháng mười, mười một, các loại cá theo nước ra sông suối, hồ đập, bây giờ cá lòng tong con đã lớn, bụng căng tròn chuẩn bị cho một mùa sinh sản mới, nhưng bụng cá cũng nhiều tạp chất dinh dưỡng, nhiều rong rêu nên rất đắng, cá bắt lúc này muốn ăn phải tốn nhiều công phu chế biến hơn.
Bây giờ, tuy đã về sống nơi thành thị, tôi vẫn nhớ cái không gian quê mùa ngan ngát mùi ruộng đồng đó. Người quê dân dã, tình quê đậm đà, chân chất, món ăn quê cũng đơn giản nhẹ nhàng, nhưng vị ngon thì không bút mực nào tả xiết. Cá lòng tong bây giờ vẫn còn nhưng không tràn đồng như trước. Nhiều đập thủy điện, nhiều hồ chứa nước, bắt cá nhiều chỉ còn cách đặt rớ trên hồ hay chờ canh lúc tháo nước thủy lợi. Con cá lòng tong phần nào bây giờ cũng không còn sống theo môi trường sinh thái tự nhiên như trước. Thỉnh thoảng thèm “mùi” lòng tong, tôi cũng ghé ra quán kêu một dĩa làm mồi, nhưng mùi vị cá không còn chân quê như xưa. Trong tôi, vẫn còn mãi mùi vị cá lòng tong năm nào.
Nguyễn Dũng