Sốt rét ác tính quay trở lại
Đời sống - Ngày đăng : 08:45, 24/04/2019
Phát mùng cho người dân xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam). |
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Bình Thuận vừa điều trị 1 bệnh nhân 26 tuổi, xã Phan Sơn (Bắc Bình) mắc SR ác tính, đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe bệnh nhân hiện nay đã ổn định. Qua khai thác bệnh sử, ghi nhận trước khi nhiễm bệnh nam thanh niên đi làm rẫy thuê và ở lại trong rừng, ngủ không mắc mùng. Sau khi bị ký sinh trùng đốt, bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, ớn lạnh… Người bệnh tự mua thuốc điều trị tại nhà 3 ngày, nhưng không giảm. Thân nhân đưa người bệnh đến Trạm Y tế xã Phan Sơn khám, xét nghiệm. Kết quả dương tính với ký sinh trùng SR và điều trị bệnh SR. Tuy nhiên, bệnh nhân có diễn biến nặng hơn, trạng thái lơ mơ theo tiền SR ác tính. Tiếp đó, được chuyển đến Bệnh đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận tiêm thuốc đặc trị SR và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tương tự, cuối năm 2018, một nam bệnh nhân ở thị trấn Võ Xu (Đức Linh) đến Gia Lai để thu mua gốc cây làm cây kiểng, bị muỗi mang ký sinh trùng SR đốt, nhưng không biết. Khi về nhà bị sốt, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận điều trị, nhưng bệnh diễn biến xấu, phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và được cứu sống kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 29 ca SR, giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước (33 ca), không có tử vong, không có dịch SR. Bệnh nằm rải rác tại các xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến (Bắc Bình), Phong Phú (Tuy Phong)… Nguyên nhân mắc bệnh là do người dân địa phương đi rừng ngủ rẫy, khai thác lâm – thổ sản không ngủ mùng hoặc sang tỉnh bạn (Lâm Đồng) làm rẫy, lao động thời vụ mắc bệnh từ tỉnh bạn mang về địa phương; lây bệnh từ sự đi lại và giao lưu. Những năm qua, bệnh SR có chiều hướng tạm lắng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, những ca sốt rét nặng, ác tính điển hình được ghi nhận… cho thấy khó tránh khỏi tâm lý chủ quan của cộng đồng. Đó là nhận định của Trung tâmkiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bác sĩ Trần Thiện Nghĩa (Phó trưởng Khoa bệnh lây nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Thời gian qua, ngành y tế đã và đang chủ động tuyên truyền; phát mùng tẩm hóa chất, thuốc điều trị cho người thường xuyên đi rừng, đi rẫy tại những điểm nóng về SR; thu dung điều trị ca bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế. Qúy I/2019, trung tâm phân bổ cho tuyến huyện 85.850 chiếc mùng và 4.990 chiếc võng cho các vùng nguy cơ có ký sinh trùng SR lưu hành. Song, phần lớn những người mắc bệnh SR và nguy cơ mắc cao khi sống hoặc đến vùng có ký sinh trùng gây bệnh SR lưu hành… chưa chủ động các biện pháp phòng, chống SR như ngủ mùng, nằm võng mùng có tẩm hoá chất hoặc dùng kem xua muỗi...
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nghĩa, những người đi làm rẫy ở vùng có sốt rét lưu hành, trước khi đi cần đến trạm y tế để được hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh, cấp thuốc dự phòng và khi trở về thì đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu không may bị SR sẽ được điều trị kịp thời. Khi xuất hiện dấu hiệu SR, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Với bệnh SR, nếu không điều trị kịp thời, người mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Trang Minh