“Chờ” văn bản  hướng dẫn tài chính  về công tác xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 09:12, 14/06/2016

BT - Để biết rõ quá trình hoạt động của mô hình xây dựng Phòng Công tác xã hội (CTXH) của Bệnh viện đa khoa Nam Bình Thuận (theo Thông tư 43/TT-BYT), phóng viên Báo Bình Thuận trao đổi với ông Phan Phước Hưng - Phó trưởng phòng Công tác xã hội của bệnh viện xoay quanh vấn đề này.

Thưa ông, từ khi Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả như thế nào so với trước đây?

Thật ra, mô hình CTXH trong bệnh viện ở các nước châu Âu thực hiện rất nhiều. Mô hình tạo ra sự gần gũi, niềm tin cho người bệnh đến với nhân viên y tế, và nhân viên y tế thể hiện được y đức tình cảm của mình đối với người bệnh. Với Bệnh viện đa khoa Nam Bình Thuận, Phòng CTXH đi vào hoạt động kể từ ngày 1/4/2016. Cụ thể, Khoa khám bệnh của bệnh viện hiện nay quá tải. Thực tế bệnh viện chỉ có 260 giường bệnh, nhưng hằng ngày 9 bác sĩ khám từ 1.500 - 2.000 bệnh nhân. Mỗi bác sĩ phải khám hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày. Với số bệnh nhân như thế, không bác sĩ nào có thời gian để giải thích rõ chuyện này, chuyện kia khi bệnh nhân hỏi. Chính những người cộng tác viên CTXH làm cầu nối giữa bệnh nhân và bác sĩ, giải thích cho bệnh nhân thấu hiểu. Họ rất năng động giúp tháo gỡ vướng mắc cho bệnh nhân, đến thời điểm này, lực lượng này đáp ứng phần nào nguyện vọng của bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Ông bố trí nhân sự cho Phòng CTXH ra sao để đáp ứng lượng bệnh nhân đông hàng ngày?

Hiện nay, phòng này có 3 nhân sự chính gồm một phó trưởng phòng phụ trách, một cử nhân điều dưỡng (trưởng khoa dinh dưỡng) và một nhân viên đảm nhiệm công tác chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi thành lập đội cộng tác viên là điều dưỡng của các khoa lâm sàng. Các điều dưỡng này có nhiệm vụ bám sát, nắm bắt và trực tiếp tại các khoa của mình phản ánh kịp thời cho chúng tôi để có các phương án hỗ trợ, biện pháp giúp đỡ người bệnh kịp thời. Theo ý kiến của tôi, cơ cấu của Phòng CTXH phải có 5 cán bộ, và đội hỗ trợ phải là 20 thành viên.

Trong quá trình hoạt động, phòng có vướng mắc gì?

Yêu cầu Phòng CTXH là phải tức thời có kinh phí nhằm giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Chẳng hạn, bệnh nhân nghèo không có cái ăn, chúng tôi muốn hỗ trợ suất ăn thì phải có nguồn quỹ để mua gạo, thực phẩm nhờ khoa dinh dưỡng nấu… Để có nguồn quỹ hỗ trợ ấy, chúng tôi xin nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, thành lập thùng từ thiện… Hiện nay, chúng tôi chưa được chỉ đạo cụ thể về vấn đề tài chính để sử dụng tiền hỗ trợ vào mục đích CTXH tại bệnh viện. Chúng tôi đề nghị Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể nguồn tiền đó nhập vào đâu, xuất ra như thế nào theo đúng quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Trang Minh (thực hiện)