Thuận Minh: Hiệu quả trồng hoa màu trên đất ruộng

Đời sống - Ngày đăng : 10:13, 05/06/2019

BT-  Thực tế cho thấy, việc trồng cây màu trên đất ruộng thay cho một vụ lúa sản xuất trong mùa khô hạn nông dân xã Thuận Minh (Hàm Thuận Bắc) có thể đạt lợi nhuận gấp đôi – ba lần  so với canh tác lúa trên cùng diện tích.
                
   Anh Nguyễn Văn Chính thu hoạch dưa hường.

Trên những diện tích đất dọc các tuyến kênh Ku Kê, Phú Sơn phủ lên màu xanh của hoa màu. Từ một số ít diện tích trồng cây màu luân canh hiệu quả, xã vận động người dân dần chuyển sang đổi trồng màu trên đất ruộng tăng thu nhập. Toàn xã hiện có trên 20 ha trồng các loại cây ngắn ngày khổ qua, dưa leo, bí xanh… Nông dân Trương Văn Kỳ ở xứ đồng Lúa Ma trồng dưa leo trên diện tích 4 sào, đang cho thu hoạch lứa cuối. Anh Kỳ vui vẻ nói với chúng tôi về kỹ thuật canh tác dưa leo: Trước khi gieo hạt giống, bà con thường bỏ phân chuồng hoai mục và ít phân NPK xuống hốc. Sau đó, duy trì việc tưới nước cho dưa mỗi ngày, nhất là vào những ngày trời nắng. Để dưa đạt năng suất cao, anh lưu ý phải tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật như lựa chọn những chân ruộng có điều kiện chủ động về tưới tiêu, giữ nước vừa đủ, tránh úng gốc gây thối rễ, chết cây. Ngoài ra, phải tỉa lá đúng kỹ thuật, bắc giàn kịp thời khi dưa có tay leo. Cây dưa đã leo phải dùng dây mềm buộc thân vào giàn để hạn chế sâu bệnh. Từ khi trồng đến khi được thu hoạch dưa chỉ khoảng 50 ngày, dưa thu hoạch kéo dài gần 1 tháng là xong.

Còn anh Nguyễn Văn Chính ở ruộng kế bên đã kết thúc vụ dưa leo khá sớm, tận dụng giàn leo làm sẵn, anh chuyển sang canh tác thử cây dưa hường. Hiện anh đang tích cực chăm sóc cho lứa dưa hường bắt đầu cho quả và rất lạc quan về năng suất, sản lượng khi thu hoạch. Anh cho biết, giống dưa hường có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng hơn 1 tháng bắt đầu thu hoạch. Với chất đất tốt và trình độ thâm canh lâu năm, anh cho biết năng suất dưa hường đạt trung bình từ 1,6-1,7 tấn/sào. Từng hàng dưa thẳng tắp lủng lẳng những trái xanh mướt, bắt mắt. Sau khi hái dưa hường, anh chở bỏ mối cho các chợ Thuận Minh và Ma Lâm, giá bán chừng 6.000 đồng/kg, ước tính mỗi sào cho thu nhập lợi nhuận trên 10 triệu đồng.

Người dân xã Thuận Minh đã có truyền thống canh tác rau màu lâu đời, tuy nhiên diện tích nhỏ lẻ, sản xuất không tập trung. Thời gian gần đây, với sự năng nổ, mạnh dạn cộng thêm sự khuyến khích và hỗ trợ của xã nên việc trồng rau màu phát triển mạnh hơn. Ông Hồ Thanh Nhanh – Phó Chủ tịch xã Thuận Minh cho biết: “Nhận thấy được hiệu quả kinh tế cây màu trên đất ruộng, xã hỗ trợ nông dân mở rộng thêm diện tích cũng như nâng chất lượng trồng rau màu. Trong đó, đặc biệt quan tâm giúp nông dân có ý thức hơn trong sản xuất ra các sản phẩm rau màu an toàn bằng việc hạn chế đến mức thấp nhất lượng thuốc bảo vệ thực vật”. Diện tích trồng rau màu ở Thuận Minh chưa đại trà nên khâu tiêu thụ sản phẩm khá đắt hàng nhờ bà con sản xuất rải vụ, xen canh nhiều loại.

Về lâu dài, theo ông Nhanh, cần khuyến khích nông dân mở rộng thêm diện tích phù hợp, sản xuất màu tập trung theo vùng và hướng đến ký kết bao tiêu sản phẩm để nông dân an tâm sản xuất. Có thể khẳng định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Do nó có tác dụng cải tạo đất đai, cắt đứt cầu nối dịch hại và cuối cùng là giúp cải thiện thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình canh tác khoa học và bền vững, cần được phát huy, nhân rộng.

         
      “Nếu so với trước    đây làm lúa thì trồng các loại cây hoa màu cho lãi gấp đôi. Kinh    nghiệm làm nông, tôi thấy việc luân canh nhiều loại cây trồng cũng    là cách cải tạo đất” – nông dân Nguyễn Văn Chính cho biết.

Thanh Duyên