Tăng cường kiểm soát tôm hùm đỏ

Đời sống - Ngày đăng : 14:03, 09/07/2019

BTO- Tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) đang rộ lên ở Việt Nam gần đây là loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm. Đặc biệt, loại tôm này đang được bày bán khá phổ biến trên mạng xã hội, ở các chợ, đồng thời được các nhà hàng, quán nhậu chế biến làm thực phẩm đặc sản. Hiện loại tôm này đang được rao bán với giá dao động từ 250.000 – 350.000 đồng/kg. Theo nhiều người dân cho biết, mới nhìn cứ tưởng là tôm hùm, thịt tôm cũng khá ngon và có giá rẻ nên nhiều người rất thích ăn.
                
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, tôm càng đỏ được ghi nhận là vật chủ của một số tác nhân gây bệnh bao gồm virút, vi khuẩn, sinh vật đơn bào, nấm, ký sinh trùng đơn bào và đa bào. Nếu để chúng thất thoát ra ngoài môi trường tự nhiên thì sẽ gây nguy hại lớn đối với hệ sinh thái.

Tôm càng đỏ thường sống ẩn nấp trong các hang hốc, rễ cây thủy sinh lớn ven bờ nước hoặc trong ao, hồ, ruộng. Loài tôm này là loài ăn tạp, thức ăn gồm các loài thực vật, động vật, mùn bã hữu cơ, đôi khi có thể ăn thịt lẫn nhau khi thiếu thức ăn. Có đặc tính đào hang sâu tới 2m, phá hủy kênh mương thủy lợi. Loài này được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) xếp vào trong 100 loài nguy hiểm nhất trên thế giới.

Được biết, tháng 5/2002, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã nhập và nuôi thử nghiệm tại Việt Nam. Kết quả nuôi thử nghiệm cho thấy những tác hại của chúng với đa dạng sinh học ở Việt Nam, nên năm 2004, Bộ Thủy sản (nay là bộ Nông nghiệp) đã cấm nuôi tôm càng đỏ. Tuy vậy, năm 2017, tại tỉnh Đồng Tháp, vẫn có một hộ lén lút thả nuôi loài tôm này để xuất sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo tiêu hủy và xử lý nghiêm. Nghị định 26 của Chính phủ vào tháng 3 /2019 quy định loài tôm càng đỏ không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, thông tư 35 của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định loài tôm càng đỏ là loài ngoại lai xâm hại.

Tại khoản 7, Điều 7, Luật Đa dạng sinh học 2008 đã quy định cấm nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại. Điều 246 Bộ Luật hình sự đã quy định về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. Tại Điều 43, Nghị định 155 của Chính phủ cũng đã quy định xử lý vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan liên quan chỉ đạo kiểm soát việc nhập khẩu tôm càng đỏ tại các cửa khẩu giáp ranh với Trung Quốc và nhập lậu qua biên giới: Các lực lượng biên phòng, hải quan, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tần suất kiểm soát việc thẩm lậu qua biên giới và xử lý nghiêm  theo quy định của pháp luật.

Kiểm soát việc lây lan, phát tán tôm càng đỏ ra môi trường bên ngoài. Cụ thể xây dựng kế hoạch kiểm soát, cô lập và diệt trừ; tăng cường kiểm soát tại các chợ biên giới, nhà hàng, đặc biệt kiểm soát việc bán hàng qua mạng xã hội. Khi phát hiện có tôm càng đỏ phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về cách phân biệt và tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp.

    
Tôm   càng đỏ có nguồn gốc ở Bắc Queensland (Úc), Papua New guinea và sau đó   đã phát triển rộng rãi tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển,   Na Uy, Phần Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc.  Tôm càng đỏ   có kích thước lớn và có vỏ cứng, nhẵn bóng có màu xanh rêu, điểm một số   vạch màu đỏ trên phần lưng; trên càng con đực có vệt biểu bì màu đỏ   không bị kitin hóa, con đực có thể đạt trọng lượng tối đa 500g và con   cái 400g. Nó có khả năng sinh sống ở nhiều loại môi trường khác nhau từ   vùng ven biển nước lợ tới môi trường nước ngọt, môi trường sống ưa thích   là những nơi có dòng chảy đậm ở vùng thượng lưu sông và tại các hồ, đầm   phá, thích nghi ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, khu vực nước   có nhiệt độ cao hơn 100C.
 

K.Ngọc