Giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả
Đời sống - Ngày đăng : 08:38, 05/08/2019
Trong thực tế, nhiều bà nội trợ mua rau, giá đỗ buổi sáng, đến chiều đã xuống “sắc” rõ, rồi trái cây để cả vài tuần vẫn tươi như lúc mới hái. Tình trạng này diễn ra không phải là mới vì đã được báo chí phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa được cải thiện là bao. Tất nhiên, hiện tượng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong quá trình sản xuất, người trồng, thương lái không biết vô tình hay cố ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.
Để tăng cường công tác kiểm tra giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả, hàng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai lấy mẫu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức cho phép. Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, qua lấy mẫu phân tích đã phát hiện có 14/59 mẫu rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (14 mẫu đều có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức cho phép; có 12/14 mẫu có dư lượng Carbendazim - là hoạt chất không được phép buôn bán và sử dụng kể từ ngày 3/1/2019). Đồng thời, qua kiểm tra các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về nhãn mác, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức và hạn chế tình trạng vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả.
Được biết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Trong đó, tập trung hướng dẫn kỹ thuật quản lý sâu bệnh bằng biện pháp quản lý tổng hợp (IPM) chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết và ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc thấp (vạch xanh), thuốc có thời gian cách ly ngắn hoặc các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Ngoài ra, Chi cục còn hỗ trợ xây dựng và kết nối các chuỗi cung ứng thực phẩm rau quả an toàn; tuyên truyền vận động nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn trên các loại cây trồng.
Để nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản, đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, công tác giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả cần tiến hành thường xuyên. Đối với các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh cần tăng cường thanh, kiểm tra, cương quyết xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, cơ quan chức năng nên chú trọng hơn nữa công tác tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất rau quả an toàn, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các mô hình liên kết sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…Đây cũng là cách tạo thương hiệu cho nông sản tỉnh nhà nói chung và rau, củ quả nói riêng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và sạch.
Như NguyỄn