Không được chủ quan với bệnh sốt rét
Đời sống - Ngày đăng : 08:32, 15/08/2019
Phát mùng chống muỗi đốt cho người dân xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam). |
Tăng bất thường
So cùng kỳ năm 2018, tổng số bệnh nhân SR của toàn tỉnh ghi nhận 106 ca. Số ca mắc bệnh tăng gấp đôi, tập trung tại 3 huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc SR/1.000 dân là 0,08 thấp hơn kế hoạch (0,35). Với số mắc tăng cao, ngành y tế đã tích cực giám sát dịch tễ tại các vùng SR trọng điểm, tuyên truyền phòng chống SR tại cộng đồng. Tổng số người được xét nghiệm tìm ký sinh trùng SR, tính từ đầu năm đến nay, là 28.806 người, 1 ca SR ác tính, không có tử vong. Bên cạnh đó, 85.850 cái mùng, 4.990 cái võng và 4.000 tuýp kem xua muỗi được cấp phát cho người dân ở các vùng nguy cơ có ký sinh trùng SR lưu hành… Vì vậy, Bình Thuận hiện không có dịch SR xảy ra.
Ông Đinh Thế Hùng (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhận định: Nhìn chung, số người mắc SR liên tục giảm trong các năm qua. Phần lớn các bệnh nhân đều mang ký sinh trùng SR nội địa. Đến nay, trung tâm chưa nghiên cứu, đánh giá tình trạng ký sinh trùng SR kháng thuốc, nên cũng chưa báo cáo số liệu cụ thể. Mặc dù số lượng bệnh nhân mắc bệnh SR năm 2019 tăng cao đột biến so cùng kỳ, nhưng các chỉ tiêu quan trọng đều nằm dưới mức chỉ tiêu kế hoạch.
Thiếu phòng ngừa tốt
Tình hình dịch tễ SR tại các huyện được đề cập đều do đi rừng, ngủ rẫy, khai thác lâm – thổ sản không ngủ mùng. Mặt khác, sự di biến động dân số từ các tỉnh khác đến lao động thời vụ; giữa các huyện, xã trong tỉnh từ vùng không còn SR lưu hành vào vùng SR lưu hành để khai thác lâm sản, ký sinh trùng SR đang tiềm ẩn và lây bệnh từ sự đi lại và giao lưu, nên khó kiểm soát. Đây cũng là một điều đáng lo ngại; hơn nữa trước thực trạng khó khăn trong việc quản lý các trường hợp người dân đi và về từ vùng SR lưu hành, góp phần làm tình hình SR gia tăng. Chẳng hạn, số ca mắc bệnh ở xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc) đi về từ vùng rừng sâu khu vực giáp ranh xã Gia Bắc (Lâm Đồng) nên nguy cơ phát sinh ca bệnh vẫn chưa được ngăn chặn. Không loại trừ những trường hợp khi định canh tại rẫy, bìa rừng… người dân không chủ động đếntrạmy tế xã để nhận thuốc dự phòng SR; không sử dụng các biện pháp phòng ngừa cá nhân. Đó là lý giải của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Theo ông Hùng, một khó khăn đáng kể nữa là kinh phí từ nguồn ngân sách bị cắt giảm. Trung tâm chỉ giám sát ổ bệnh SR ở vùng trọng điểm, chưa thực hiện theo Quyết định 741 của Bộ Y tế theo quy trình 2 - 4 - 7 (với thôn, xã có người mắc bệnh SR,trạmy tế xã phải báo cáo cho trung tâm y tế huyện trong vòng 2 ngày; 4 ngày sau phải báo cáo trung tâm tuyến tỉnh để giám sát ổ bệnh trong 7 ngày). Năm 2018, biện pháp phun và tẩm màn phòng chống SR cho người dân không được triển khai. Vì thế, năm nay không tránh khỏi nguy cơ bùng phát bệnh làm gia tăng số người mắc; đặc biệt tại các vùng SR lưu hành vừa và lưu hành nặng.
“Chấm dứt bệnh sốt rét” là chủ đề hưởng ứng ngày thế giới phòng chống SR năm 2019. Để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của bệnh ra cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường các hoạt động điều tra dịch tễ, giám sát cũng như tuyên truyền các biện pháp phòng chống trong cộng đồng giúp người dân có kiến thức phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đồng thời, trung tâm khuyến cáo người dân làm rẫy đi rừng, cần ngăn sự tiếp xúc giữa người với muỗi truyền bệnh bằng cách phun và tẩm mùng bằng hóa chất diệt muỗi; nằm mùng khi ngủ, mặc quần áo dài khi đi rừng, làm rẫy; bôi kem xua muỗi lên những nơi da hở. Bởi muỗi đốt là đường lây truyền của bệnh SR. Khi xuất hiện dấu hiệu SR, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh bệnh diễn tiến nặng dẫn tới nguy cơ tử vong.
Trang HiẾu