Phan Thiết: Cần có bài giải hay về rác thải

Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 10/06/2016

BT - "Dạo một vòng quanh thành phố Phan Thiết, điều làm người dân và du khách “nhức mắt” là rác thải. Rác trong các ngõ nhỏ, rác trên các tuyến đường mới mở, rác bên hông di tích, rác lềnh bềnh trên con sông Cà Ty chảy giữa trung tâm thành phố, rác dập dềnh theo con sóng và “mắc cạn” hàng dài trên bãi biển Đồi Dương – bãi biển đẹp – “mặt tiền” thành phố Phan Thiết… Ngay cả ở dọc bờ biển Khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, nơi được phong là “thủ đô Resort”, nơi được “chăm chút” nhất vẫn đầy rác, đến nỗi mới đây một du khách Nga đã phải thốt lên lời cầu cứu bằng tiếng Anh “HELP” trên Facebook. Câu chuyện rác luôn thời sự trên một số chương trình phát thanh, truyền hình của tỉnh, Báo Bình Thuận và trong các cuộc họp của cơ quan chức năng…"

Thử tìm nguyên nhân

Thành phố Phan Thiết có quy mô dân số là 335.212 người, mật độ dân số là 1.627 người/km²; các phường trung tâm thành phố như Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo, Hưng Long, Bình Hưng, mật độ dân số khoảng 30.000 người/km². So với các đô thị khác, mật độ dân số thành phố Phan Thiết không phải là quá đông. Là thành phố du lịch nổi tiếng với “thủ đô Resort”, mỗi năm có khoảng trên dưới 4 triệu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (2015: 4,2 triệu khách), song việc có nhiều khu Resort không đồng nghĩa với việc chấp nhận thải rác một cách tùy tiện. Nguyên nhân đầu tiên, có lẽ là từ việc tổ chức thu gom rác. Theo lãnh đạo Công ty Công trình đô thị Phan Thiết, mỗi ngày công ty tổ chức lấy rác hai lần. Đối với địa bàn tập trung hoạt động thương mại/chợ, dịch vụ, nhà hàng, việc thu gom rác tiến hành từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Ở các khu dân cư, thu gom từ 16h30 cho đến khi hết rác. Theo đó, người dân phải tự gom rác thải sinh hoạt, bỏ trong túi, giỏ, thùng rác để trước nhà, đến giờ nhân viên vệ sinh môi trường đi thu gom (bằng xe đẩy tay), không được xả xuống lòng đường, vỉa hè.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc tổ chức lấy rác không “phủ sóng” đều ở các địa bàn. Chẳng hạn ở khu Bắc và Đông Xuân An, chưa có đơn vị nào tổ chức thu gom rác thải; một số tuyến đường mới, nơi mật độ dân cư thưa thớt, việc thu gom rác chưa được thường xuyên. Việc đặt các thùng rác công cộng cũng chưa hợp lý, nhiều nơi đáng lẽ cần có các thùng rác công cộng để các hộ gia đình bỏ rác thì lại chưa có. Một bất hợp lý nữa là khu công viên – bãi biển Đồi Dương – Thương Chánh, được giao cho Ban quản lý Khu du lịch Đồi Dương – Thương Chánh khai thác và quản lý về mặt an ninh, trật tự, an toàn, hạ tầng, nhưng việc thu gom rác thì lại thuộc trách nhiệm của Công ty Công trình đô thị Phan Thiết. Người viết bài này từng chứng kiến nhiều đêm, nhất là thứ sáu đến chủ nhật, rất nhiều nhóm người đến đây nhậu nhẹt, xả rác nhưng không được nhắc nhở, sáng hôm sau, để lại từng đống rác khắp công viên.

         
   

      

         Rác ở bãi đất trống khu dân cư Hùng Vương.

Vấn đề thứ hai, có lẽ là ý thức người dân. Thay vì phối hợp với đơn vị thu gom rác để bỏ rác đúng quy định, đúng giờ thì người dân lại “tiện đâu vứt đó; rảnh lúc nào, xả lúc đó”. Đối với khu “nhà chồ” hai bên bờ sông Cà Ty còn “kinh khủng” hơn khi mà cư dân ở đây xả thẳng tất tần tật mọi thứ xuống sông. Với cách ứng xử tùy tiện như vậy, vô hình trung đã biến sông Cà Ty, nhiều khu đất trống chưa xây dựng nhà cửa, vỉa hè đường phố thành bãi rác, thậm chí cả xà bần, đất đá, vật liệu xây dựng, các vật dụng hư hỏng như tủ, ghế nệm, nệm giường... Không khó lắm để tận mắt nhìn thấy những “bãi rác tự phát” ở khu dân cư Kênh Bàu, khu dân cư Hùng Vương, các lô đất cạnh Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng… Người viết bài này từng chứng kiến cảnh tượng thật trớ trêu: xe chở rác vừa đi qua, dọn sạch rác thì khoảng nửa tiếng sau người dân lại thải ra một đống rác “chình ình” bên lề đường. Một công nhân thu dọn rác tâm sự: Với kiểu ý thức như vậy, chúng tôi có tăng gấp đôi công sức cũng không thể kham nổi. Giá như, hàng ngày, cứ cuối giờ chiều, người dân đem rác từ nhà ra nơi quy định để chúng tôi thu gom, ngày mai, nếu có rác phát sinh, đợi đến giờ chiều chứ không “đẩy” ra đường, thì đâu đến nổi vậy. Mong người dân chia sẻ với chúng tôi - những người suốt ngày “làm bạn” với rác. Họ bỏ ra 18.000 đồng/tháng để chúng tôi dọn rác, giá trị chỉ bằng một ly cà phê sáng, không bù đắp được những gì mà họ thải ra đường. Cũng có công nhân tâm sự, rác thải quá nhiều và tùy tiện, làm mãi không hết, đôi lúc bật khóc vì bất lực…

Theo lãnh đạo Công ty Công trình đô thị Phan Thiết, hiện nay, mỗi ngày thành phố Phan Thiết thải ra ước khoảng có 400 tấn rác. Công ty thu gom mỗi ngày được khoảng 300 tấn (75% lượng rác thải ra trên toàn thành phố), như vậy có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 100 tấn rác “trôi nổi” khắp nơi trên địa bàn thành phố, kể cả “trôi” xuống sông và biển. Hình thức xử lý rác thải ở thành phố Phan Thiết là bằng phương pháp chôn lấp. Bãi chôn lấp rác thải thành phố (bãi rác Bình Tú) nằm ở thôn Tiến Bình, có quy mô 26 ha đã “hết hạn sử dụng” vào năm 2015, nhưng trước áp lực về rác, lãnh đạo thành phố Phan Thiết đã phải xin tỉnh cho gia hạn sử dụng thêm 5 năm nữa. Thành phố Phan Thiết cũng rất “khát khao” có một nhà máy xử lý rác nhưng đến nay vẫn chưa có. Được biết, cách đây khoảng 10 năm, một doanh nghiệp tư nhân đã đặt vấn đề xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở thành phố Phan Thiết, nhưng rồi không đi đến kết quả. Cách đây một năm, tỉnh đã cấp giấy phép chấp thuận đầu tư cho Công ty TNHH Nhật Hoàng nhưng vẫn còn “vướng” một số vấn đề nên chưa được triển khai. Ngẫm nghĩ, Ninh Thuận – người anh em song sinh với Bình Thuận - dù dân số chỉ hơn một nửa dân số Bình Thuận, chưa phải là điểm đến du lịch hấp dẫn như Bình Thuận, nhưng cách đây gần 15 năm (2002), đã có nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, công suất 200-250 tấn mỗi ngày, giảm diện tích đất sử dụng để chôn lấp rác từ 27 ha xuống còn 3 ha, tỉ lệ chôn lấp còn từ 5 - 10%, thì “động thái” của Bình Thuận đối với vấn đề xử lý rác thải quá ì ạch.

Cần một lời giải hay

Đã đến lúc Bình Thuận nói chung và thành phố Phan Thiết nói riêng phải giải ngay bài toán về xử lý rác. Trên địa bàn thành phố, cần thúc đẩy để sớm có một nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, giảm thiểu việc chôn lấp rác như hiện nay. Việc tổ chức thu gom rác cần khoa học và thường xuyên hơn, có sự phối hợp giữa đơn vị thu gom và các hộ dân, tránh tình trạng người dân đưa rác ra đường thì chưa đến giờ thu gom, hoặc sau khi thu gom rồi thì người dân lại thải rác ra đường. Các tuyến đường mới mở, vắng dân cư cũng cần được “chăm sóc” tốt như địa bàn đông dân cư. Vấn đề ý thức của người dân có vai trò quyết định rất lớn. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền sâu hơn, đậm hơn về ý thức gìn giữ môi trường cho người dân. Trên địa bàn thành phố cần có thêm nhiều thùng rác công cộng, panô, áp phích, biển báo với những khẩu hiệu, lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đi vào lòng người, có tác dụng làm thay đổi nhận thức, hành vi xả rác. Tiến tới có hình thức hợp lý để xử phạt những gia đình, cá nhân cố ý xả rác ra đường, nơi công cộng như thành phố Đà Nẵng đã triển khai, đồng thời cấm các hoạt động ăn uống ở công viên - bãi biển Đồi Dương – Thương Chánh như cách làm của thành phố Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, cần nêu cao tính tự quản và trách nhiệm của tổ dân phố; việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng ở xã, phường; huy động sự vào cuộc sâu sát, tích cực hơn của Mặt trận, các đoàn thể. Suy cho cùng, rác thải ra khu công cộng cũng từ hành vi thiếu ý thức của người dân, đoàn viên, hội viên; một gia đình không thể là văn hóa khi mà không có ý thức gìn giữ bảo vệ môi trường (lại còn làm cho môi trường bẩn hơn), đoàn thể không thể trong sạch vững mạnh khi đoàn viên, hội viên vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường…

Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam từ năm 2020 đến 2030 của Chính phủ đã xác định thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch biển; khu vực Hàm Tiến – Mũi Né là khu du lịch quốc gia. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định, phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Một doanh nhân biết cách làm ăn nhận định: Khi xong tuyến đường Phan Thiết – Dầu Giây, xong sân bay Phan Thiết và trong tương lai xa, là sân bay Long Thành, thì du lịch Bình Thuận sẽ là “con gà đẻ trứng vàng”. Trên con đường trở thành đô thị du lịch biển và “nuôi” “con gà để trứng vàng”, Phan Thiết cần giải quyết tốt bài toán rác thải; nếu không, sẽ không còn là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam!

Tư An