Ô nhiễm rác thải nilon khu vực nông thôn

Đời sống - Ngày đăng : 08:52, 08/10/2019

BT- Khi nói đến rác thải, nhiều người cho rằng đó là vấn đề của các thành thị, nhưng thực tế tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ta, rác thải đựng trong các túi nilon đang trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, sinh thái ở các xóm, thôn, xã, tuyến đường giao thông trọng điểm như quốc lộ (1A, 55, 28) ngang qua, các tuyến đường tỉnh…
                
Người dân thị trấn Chợ Lầu dọn dẹp vệ sinh    môi trường.

 Có dịp đến một số xã, thôn trong tỉnh, chúng tôi chứng kiến thực trạng các đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, xuất hiện bừa bãi rác thải đựng trong các túi nilon, lâu ngày tung tóe khắp nơi, làm mất vệ sinh môi trường nơi công cộng. Ngay cả trong khu vườn nhà, loại rác thải này cũng vương vãi; bởi số hộ đào hầm chôn rác còn ít, phần nhiều bà con đựng rác trong túi nilon bỏ ra ngoài đường hoặc sau vườn, lâu lâu mới đốt rác không cháy hết. Ngay tại xã nông thôn mới Sơn Mỹ, Hàm Tân, trong mùa hè vừa qua, đội sinh viên tình nguyện hơn 30 “chiến sĩ” của Trường ĐH Tài nguyên & Môi trường TP. HCM về hỗ trợ làm vệ sinh môi trường đã nạo vét cống rãnh, xử lý khá nhiều túi nilon chứa rác thải nằm dưới cống rãnh nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Ở địa phương này, chính quyền thôn, xã hàng năm vận động đoàn viên thanh niên ra quân dọn dẹp môi trường nông thôn, mỗi khi cống rãnh đầy rác thải nhựa… Còn mới đây, chúng tôi trở lại quốc lộ 55 (Hàm Tân - TX. La Gi) nối tỉnh lộ ĐT. 719 (TX. La Gi - Hàm Thuận Nam - TP. Phan Thiết), những đoạn đường vắng thưa nhà, không thiếu hình ảnh từng đống túi nilon đựng rác thải sinh hoạt, mùi hôi phơi phóng, chế biến hải sản 2 bên đường như đoạn qua thôn Thanh Linh, xã Tân Phước, Tân Bình… gây mùi khó chịu với khách ngang qua. Cùng với đó không ít khách du lịch, hành hương vẫn còn xả rác ở các khu du lịch cộng đồng ở bãi biển Cam Bình, xã Tân Phước, dinh Thầy Thím xã Tân Tiến (TX. La Gi), bãi biển Mũi Né, Hòn Rơm (TP. Phan Thiết). Rác thải sinh hoạt chứa trong túi nilon cũng tập kết nhiều điểm dưới rãnh thoát nước và ven quốc lộ 28 qua huyện Hàm Thuận Bắc...

Bởi vậy, các xã, phường, huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh, họp thôn, khu phố cho mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; thành lập mô hình phụ nữ, cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường thông qua hỗ trợ kinh phí mua thùng đựng rác từ Chi cục Bảo vệ môi trường vài năm trước đây. Như mô hình thu gom rác thải ở thôn Hồ Lân, Tân Thắng (Hàm Tân); thôn 4 (Hàm Đức), khu dân cư xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc); khu phố Xuân An 2, thị trấn Chợ Lầu (Bắc Bình)... Ngoài ra, thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong), phường Mũi Né (Phan Thiết) cũng thường xuyên vận động người dân, đoàn viên, thanh niên dọn dẹp rác bãi biển, đem lại không khí trong lành ở địa phương.

Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải thì mỗi thôn, xã cần có những quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường sống xung quanh. Đồng thời, ở mỗi xã cần xây dựng một khu vực đổ rác cho nhân dân trong quy hoạch của địa phương mình. Những nơi đổ rác phải đảm bảo 2 yếu tố xa khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường. Có thể học tập cách làm của một số địa phương trong tỉnh về thu gom, xử lý rác thải như thành lập các tổ thu gom rác do các nhóm, tổ hội trong thôn, xã phụ trách để nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân, thôn xóm. Song một yếu tố quan trọng là chính quyền xã, huyện cần có kinh phí để duy trì hoạt động thu gom rác thải thường xuyên như chi phí mua thùng đựng rác, dụng cụ thu gom, bảo hộ… Đây là những biện pháp có thể thực hiện được và cần có sự nhận thức và đóng góp của mỗi người dân để từng bước xã hội hóa vấn đề rác thải ở nông thôn.

T. Khoa