Bệnh sốt rét tăng do ở trong rừng dài ngày

Đời sống - Ngày đăng : 08:39, 14/10/2019

BT- Số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét liên tục gia tăng, đặc biệt các xã vùng xa, vùng cao. Một trong những nguyên nhân góp phần cho bệnh gia tăng là nhiều người từ tỉnh Lâm Đồng đến Bình Thuận khai thác tre, le… ở chung lán trại với người Bình Thuận.
                
Người dân xã Phan Sơn (Bắc Bình) được cấp    kem xua muỗi phòng bệnh sốt rét.

9 tháng của năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 215 ca mắc bệnh sốt rét, không có tử vong; tăng 2,8 lần so cùng kỳ năm 2018 (77 ca). Các huyện có số mắc cao gồm  Bắc Bình, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc. Trong tháng 9, số ca mắc có dấu hiệu chững lại; với 26 ca mắc, giảm 5 ca so tháng 8 (31 ca). Riêng huyện Bắc Bình, số người mắc sốt rét tiếp tục tăng 112,5% với 17 ca mắc.

Phần lớn số mắc bệnh sốt rét là người làm rẫy, khai thác lâm sản, bảo vệ rừng ngủ lại qua đêm tại chòi rẫy không mắc mùng do thời tiết quá nóng; hoặc khi bị sốt thì đến trạm y tế muộn, nguy cơ ác tính cao. Cụ thể, số người mắc sốt rét tại huyện Hàm Thuận Bắc phát bệnh sau khi khai thác lâm sản tại rừng Phan Tiến (Bắc Bình). Với số người mắc bệnh tại Bắc Bình, là do làm rẫy, đi rừng khu vực Phan Sơn, Phan Lâm. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân góp phần cho bệnh này gia tăng là nhiều người từ tỉnh Lâm Đồng đến các xã giáp ranh của Bình Thuận khai thác tre, le… ở chung lán trại với người Bình Thuận, không tránh khỏi tiềm ẩn lây bệnh. Trong khi đó, cơ sở y tế tại xã không giám sát ca bệnh của người tỉnh khác. Đó là nguyên nhân gia tăng bệnh sốt rét được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phân tích.

Bà Nguyễn Thị Thọ - Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để tránh lây lan trong cộng đồng, người đi rừng, làm rẫy phải tự bảo vệ sức khỏe bằng cách ngủ mùng tẩm hóa chất tồn lưu lâu, thoa kem xua muỗi. Khi ở rừng có dấu hiệu sốt, người mắc bệnh phải đến cơ sở y tế sớm để điều trị đúng phác đồ, đủ liều. Tùy loại ký sinh trùng, người đã từng mắc bệnh có thể tái phát mặc dù không đến vùng sốt rét lưu hành.

Để giảm mức tối thiểu số người mắc bệnh sốt rét, song song với các biện pháp phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn “Phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2019” cho giám đốc, phó giám đốc, nhân viên phụ trách phòng, chống sốt rét tại các trung tâm y tế huyện nhằm cập nhật tình hình sốt rét, xác định, đánh giá thực trạng mức độ sốt rét lưu hành ở các vùng dịch tễ; đồng thời, đề xuất các biện pháp can thiệp, xây dựng kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét phù hợp ưu tiên cho từng vùng. Theo quy định của Bộ Y tế, 5 năm sẽ thực hiện phân vùng dịch tễ của bệnh sốt rét một lần.

Trang Minh