Đặc sản mứt me Phan Thiết

Đời sống - Ngày đăng : 09:45, 04/01/2020

BT- Mứt me Phan Thiết trở thành đặc sản, không thể thiếu mỗi khi xuân về. Bởi hương vị đặc trưng chua ngọt quện lẫn vào nhau, không thể nhầm lẫn được mứt me nơi khác.
                
Công đoạn xâm me.

Bà Phan Thị Tư, ngụ tại chợ Gò (Phú Trinh), có trên 35 năm kinh nghiệm làm mứt me, kể rằng: Nghề làm mứt me có từ rất lâu. Khi lớn lên, bà thấy gia đình cụ Hai Siêu và cụ Ba Huỳnh (nay đã qua đời) làm nghề mứt me. Mứt của 2 cụ được bỏ mối ở Sài Gòn và cũng khá nhiều người biết đến đặc sản này. Cứ mỗi tháng 9 âm lịch, bà thường sang nhà 2 cụ này phụ sơ chế trái me tươi bằng nhiều công đoạn như tách vỏ me, lẫy hạt, xăm thịt me, rửa sạch nước chua. Kể từ đó, bà học được nghề và rim mứt khi tết đến.

Năm nay, bà Tư hơn 80 tuổi, nhưng vẫn ngồi rim me. Theo kinh nghiệm của bà, me làm mứt phải là me xanh, dày cơm. Sau sơ chế, me ngâm với đường cát 1 ngày, mới đặt lên bếp sên với nhiệt độ phù hợp để tránh tình trạng trái me chưa ngấm mà bị lại đường trên bề mặt, nước đường bị cháy khê. Thành phẩm trái me rim là phải dẻo, bề mặt bóng mướt,  hương vị chua chua, ngọt ngọt khi ăn. Đặc biệt, mứt me không bị lên men sau nhiều ngày. Tuy nhiên, an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu trong quá trình làm mứt. Trước khi phơi nắng, mỗi trái mứt me được bao bọc lớp giấy kiếng tránh ruồi và bụi.

                
Ngâm me để bớt chua.

So với giá mứt me nơi khác (230.000 đồng/kg), mứt me Phan Thiết “nhích” giá hơn, dao động 250.000 – 300.000 đồng/kg, nhưng thu hút rất nhiều người tiêu dùng bởi hương vị đặc trưng riêng. Sản phẩm mứt me Phan Thiết ít bán phổ biến tại các quầy hàng. Phần lớn người tiêu dùng đặt trước để thưởng thức, đãi khách hoặc gửi cho người thân sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, gia đình làm nghề mứt me tại Phan Thiết hiện đang thưa dần, chỉ còn một số ít gia đình ở khu vực chợ Gò (Phú Trinh), khu phố 4 (Đức Thắng)… vẫn đang duy trì nghề này. Bởi nguồn nguyên liệu me xanh ngày càng hút hàng, với giá cao 25.000 đồng/kg. Cứ mua 10 kg me xanh, thì có khoảng 1 - 2 kg trái không làm mứt được do trái ngắn, mỏng cơm… hoặc me dốt (giai đoạn chuẩn bị trở thành me chín). Vì thế, mỗi gia đình, mỗi năm chỉ sản xuất vài chục kg mứt me thành phẩm, giảm rất nhiều so với trước đây (vài trăm kg mứt me). Đó là thông tin của một số gia đình làm nghề mứt me tại Phan Thiết cho biết.

                
Mứt me Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân

Trang Minh