Dừa xiêm xanh ở Hồng Sơn cho thu nhập cao

Đời sống - Ngày đăng : 08:31, 25/02/2020

BT- Câu chuyện thanh long lên xuống thất thường do ảnh hưởng của dịch Covid -19 vẫn chưa lắng xuống từ làng trên, xóm dưới tại xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc), nơi có đa số người dân sống dựa vào nghề nông. Đây không phải lần đầu tiên nông sản trong tỉnh chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hay bài toán được mùa, mất giá. Qua những đợt “giá cả rớt khung” ấy, nhiều hộ dân ở thôn 1 - địa bàn có số dân đông nhất, nhì xã nhận thấy phải tự cứu lấy mình bằng cách đa dạng hóa cây trồng phù hợp. Trong đó trồng cây dừa xiêm xanh đang là hướng đi mới, bước đầu cho hiệu quả cao.
                
   Gia đình bà Huệ chuyển đổi từ đất lúa kém    hiệu quả sang trồng dừa cho thu nhập cao.

“Dừa xiêm xanh đang trồng ở địa phương được đánh giá ngọt nước, sọ lớn không thua kém dừa Mũi Né, nên rất hút hàng. Với giá bán tại vườn 8.000 đồng/trái, dịp Tết Nguyên đán 2020 nhiều hộ thu về hàng chục triệu đồng”. Trưởng thôn 1 - Lưu Văn Bảy giới thiệu ngắn gọn tiềm năng giống cây mới đang được mở rộng trên địa bàn thôn mấy năm gần đây.

Thôn 1 hiện có 27 ha, tương đương gần 5.300 cây. Đa số được trồng trên đất vườn, đất lúa kém hiệu quả. Thậm chí nhiều hộ xuống cây con ngay giữa các hàng thanh long để dần thay thế. Theo kinh nghiệm, cây con sau khi trồng rất cần nước, nếu giai đoạn này thiếu nước cây sẽ chết. Vì vậy, để giữ đủ ẩm nên dùng rơm, rạ, cỏ khô tủ gốc trong mùa nắng. Khoảng 2 - 3 ngày tưới 1 lần tùy vào độ ẩm ở gốc. Năm đầu tiên nên bón thêm phân NPK cho cây vào đầu và cuối mùa mưa. Bắt đầu năm thứ 2, hàng năm đắp thêm đất vào mô để tạo điều kiện cho rễ phát triển, hoặc bồi bùn vào đầu mùa nắng kết hợp bón phân. Đọt non rất dễ bị bọ dừa, kiến vương, đuông dừa tấn công làm cây chậm phát triển, chết, vì thế cần chú ý phun thuốc phòng trừ. Nếu cây dừa được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật thì 2,5 năm sẽ cho quả.

Bà Dương Thị Kim Huệ, hộ trồng dừa 10 năm nay cho biết: “Gia đình đang có 500 cây dừa xiêm, một nửa trong số đó cho thu hoạch mấy năm nay, số còn lại đang cho trái lứa đầu. Trồng dừa khá nhàn, ít công chăm sóc hơn thanh long hay rau màu, chi phí đầu tư thấp. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi thu hoạch được hơn 700 quả, bán với giá 10.000 đồng/trái. Vị chi mỗi năm thu về khoảng 100 triệu đồng”.

Không chỉ cung cấp dừa trái, tại thôn 1 nhiều hộ còn ươm cây giống phân phối, như ông Dương Quý Nam, Ngô Văn Chung. Tuy giống dừa xiêm xanh địa phương luôn có giá cao gấp đôi dừa miền Tây (120.000 – 140.000 đồng/cây), nhưng bà con vẫn tìm mua khá nhiều.  

Hiệu quả từ cây dừa xiêm xanh đã thấy rõ, nhưng theo ông Bảy chủ yếu các hộ tự trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, chứ chưa được tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật hay tham quan mô hình. Vì thế trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, rất cần có sự định hướng và hỗ trợ kiến thức cho nông dân.

ThỤc Anh