Hàng trăm tàu cá nằm bờ vì thiếu lao động
Đời sống - Ngày đăng : 10:25, 17/02/2020
Những ngày trung tuần tháng 2, hàng trăm tàu cá vẫn đậu dọc kín sông Cà Ty, chẳng buồn vươn khơi. Một phần thời tiết không thuận lợi, nhưng phần lớn vẫn do tìm lao động biển quá khó khăn. Thông thường sau tết, việc thiếu hụt lao động thường xảy ra. Sau rằm tháng giêng, các thuyền viên mới bắt đầu trở lại công việc. Tuy nhiên, năm nay các chủ tàu tìm “đỏ mắt” vẫn không đủ số lượng lao động cho 1 chuyến biển. Mùng 6 tết, tàu của anh Lê Văn Hồng (phường Phú Hài) xuất hành lấy lộc đầu năm. Mỗi chuyến ra khơi, tàu anh phải có từ 15 lao động trở lên, nhưng tìm mãi chỉ được 10 người, do đó sau chuyến xuất hành, tàu anh nằm bờ đến hôm nay. Anh Hồng chia sẻ: “Vài năm trước, mỗi lao động biển kiếm được 5 – 10 triệu đồng/chuyến biển 20 – 25 ngày. Nhưng thời gian trở lại đây, sau mỗi chuyến biển chỉ chia được 2 – 4 triệu đồng, có chuyến còn hòa vốn nên các thuyền viên không có nguồn thu, đành chuyển sang nghề bờ”.
Theo nhiều ngư dân, gần đây nghề đánh bắt xa bờ cũng lâm vào cảnh khó khăn khi nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Nếu như trước đây, mỗi chuyến biển có thể mang về hàng chục tấn hải sản, nay chỉ chừng vài tấn đến chục tấn. Giá sản phẩm cũng giảm đáng kể so với trước dẫn tới hiệu quả đánh bắt khá thấp. Do đó, nghề biển không còn “hit” các thanh niên, lao động trẻ tuổi. Anh Nguyễn Thanh (thị trấn Phan Rí Cửa) từng có 1 chiếc tàu làm nghề vây rút chì. Để giữ chân lao động biển, anh cho các thuyền viên ứng trước 1 – 2 tháng lương. Nhưng rồi biển giã ngày càng “đói” nên các bạn thuyền lần lượt bỏ biển lên bờ, “xù” luôn các khoản nợ. Tìm lao động địa phương không có, anh thuê tận Quảng Ngãi, Quảng Nam, miền Tây… miễn chịu ra khơi. Nhưng vài năm gần đây, không ai mặn mà đi biển nữa, thậm chí các con anh cũng không theo nghề cha. Anh đành “xẻ thịt” con tàu, giải nghệ nghề biển.
Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, trong đó có Nghị định 67. Đội tàu 67 ở Bình Thuận đến nay đã có 114 chiếc với máy móc trang thiết bị hiện đại, sẽ giúp chủ tàu giảm lao động và tăng sản lượng khai thác. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đội tàu này vươn khơi sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực đánh bắt của ngư dân, tạo tiền đề vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi dài ngày trên vùng biển xa. Với tình hình lao động biển đang khan hiếm như hiện nay, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt hải sản là việc làm cấp thiết như sử dụng máy dò ngang, máy chụp 4 tăng gông sẽ giúp chủ tàu giảm số lao động trên tàu.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có hơn 7.000 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lên (tàu đánh bắt xa bờ) khoảng 2.700 chiếc. Lực lượng lao động thường xuyên làm việc trên biển trên dưới 40.000 người. Nếu nguồn lao động này sụt giảm nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế biển của địa phương. Do đó ngành chức năng cần có những giải pháp căn cơ hơn, có chính sách hỗ trợ đội ngũ lao động biển để họ gắn bó lâu dài với nghề hơn.
Minh Vân