Làm kè chống xói lở bờ biển khu du lịch: Vẫn là bài toán khó

Đời sống - Ngày đăng : 09:36, 10/03/2020

BT- Biển xâm thực luôn là vấn đề “nóng” ở Khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né trong những năm qua và sẽ còn tiếp diễn khi mùa mưa bão đến. Cho đến nay chưa có giải pháp khắc phục do ngân sách tỉnh eo hẹp, không kêu gọi được các nguồn lực, giờ chỉ còn trông vào sự hỗ trợ của Trung ương.
                
Ảnh: Đình Hòa

 Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”

Không chỉ người dân địa phương mà những ai từng đến bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né đều cũng thấy tiếc nuối và lo lắng với việc bãi biển bị xâm thực. Hàng trăm doanh nghiệp du lịch đóng chân trên dọc bãi biển buồn lo phá sản liên quan đến nguồn thu, khi không còn bãi biển hay diện tích đất kinh doanh bị thu hẹp. Đặc biệt là những doanh nghiệp chưa làm kè kiên cố ngay từ khi đặt viên gạch đầu tiên hình thành nên cơ sở của mình.

 Để bảo vệ khối tài sản, các cơ sở đã tự cứu mình bằng cách làm kè. Tuy nhiên, thay vì làm kè kiên cố với những thảm bê tông ẩn trong bờ biển tạo mỹ quan, thì lại làm kè túi vải mềm công nghệ Hà Lan hình chữ T, chữ L lộ thiên, ló ra biển gây nguy hiểm và phản cảm. Không chỉ vậy còn làm xói lở bãi biển của các cơ sở bên cạnh do quy luật thủy triều tự nhiên, tức nước thì vỡ bờ hay lấp chỗ này thì sạt lở chỗ kia. Điển hình vào năm 2018, cơ sở du lịch Sunny Beach... làm kè túi vải mềm báo chí cả nước phản ảnh sau khi dấy lên nhiều bức xúc.

Sau vụ việc, tưởng không còn cơ sở nào tiếp diễn, nhưng trước khi tình trạng xâm thực ngày càng gia tăng, với viện dẫn rằng, Nhà nước không làm thì họ làm để bảo vệ tài sản nên có doanh nghiệp tiếp tục làm. Vụ cơ sở du lịch Thái Hòa làm kè xảy ra vừa qua là điển hình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, mong muốn của sở là làm kè kiên cố chứ không phải kè mềm, “cực chẳng đã” mới cho phép Thái Hòa làm... Qua kiểm tra, công trình kè của Thái Hòa đã vi phạm trong mục 4 của bản thiết kế thi công công trình kè. Theo đó, trong trường hợp đầu tư làm kè ảnh hưởng đến khu lân cận thì phải tháo dỡ phần sai quy định, sở đã lập biên bản buộc Thái Hòa phải tháo dỡ.

 Cho đến nay dọc bãi biển Hàm Tiến có hơn 10 kè mềm túi vải lộ thiên. Việc làm kè bảo vệ tài sản của doanh nghiệp thì ngành chức năng không cấm nhưng phải làm sao cho hài hòa đồng thuận giữa môi trường cảnh quan và các cơ sở lân cận. Phần lớn cơ sở làm kè kiên cố không đồng tình với các cơ sở làm kè mềm nên xảy ra mâu thuẫn nội bộ giữa các cơ sở du lịch với nhau. Ông Hoàng Hùng – Giám đốc khách sạn Mường Thanh chia sẻ, làm kè là quyền của mỗi cơ sở, nhưng không nên làm ảnh hưởng môi trường du lịch chung.

Kè túi vải mềm là giải pháp chống xâm thực tạm thời, nhưng nhiều cơ sở vẫn chọn. Có thể do eo hẹp kinh phí hoặc trông chờ vào tỉnh vì làm 100m kè kiên cố tốn hàng tỷ đồng, nhưng cũng chiều dài ấy với kè mềm túi vải chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Tuy vậy, dù kè mềm hay kè kiên cố thì các cơ sở du lịch ở Khu du lịch Hàm Tiến đang như ngồi trên đống lửa, khi mùa mưa bão sắp đến.

Trông vào nguồn lực nào?

Tình trạng xâm thực ngày càng ăn sâu vào đất liền, khiến cho không chỉ doanh nghiệp mà còn ngành chức năng “đứng ngồi không yên”, cả 2 đã đặt ra câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn. Thời gian qua ngành chức năng và doanh nghiệp đã nhiều lần bàn giải pháp nhưng đều bất thành. Phía tỉnh mong muốn doanh nghiệp chung tay góp sức giải quyết, nhưng doanh nghiệp không đồng ý với viện dẫn đã đóng thuế cho Nhà nước thì Nhà nước làm. Thực tế để làm hệ thống kè kiên cố có mỹ quan, nhất là vùng trọng điểm du lịch, phải có kinh phí lớn. Ngân sách tỉnh có hạn khi khoản thuế của doanh nghiệp đóng phải trích nộp vào ngân sách Trung ương.

Hàng năm Trung ương có hỗ trợ kinh phí chống xâm thực cho tỉnh, nhưng phải làm kè khu dân cư, vì cuộc sống người dân là trên hết. Theo một lãnh đạo Sở NN &PTNT tỉnh, những năm qua sở chủ yếu làm kè ở các vùng dân cư, các khu vực khác cũng sẽ làm. Mong muốn là làm bờ kè có hành lang bộ hành như kè biển của dự án Ocean Dunes, nhưng hiện thiếu kinh phí nên không thể làm gì hơn.

Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hàm Tiến – Mũi Né cũng đang rất khó khăn, khi nguồn thu từ việc kinh doanh gần đây không ổn định, trong khi hàng tháng phải chi trả lương nhân viên và đóng thuế. Do vậy, bảo họ ủng hộ tiền cho tỉnh làm kè là chuyện rất khó. Vì vậy, để hoàn thiện hệ thống kè Khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, chỉ còn trông vào sự hỗ trợ của Trung ương.

    
      Lãnh đạo một sở trăn trở: Kè mềm có thời hạn vài năm, ít tốn tiền hơn so   với kè kiên cố, nhưng gây mất mỹ quan... Nhiều tỉnh, thành đã làm như   Hội An, và hầu như không thành công. Một số doanh nghiệp đến xin làm kè   này chúng tôi không muốn cho, mà không cho thì doanh nghiệp gây áp lực,   rất khó cho sở. Hy vọng Trung ương hỗ trợ kinh phí để làm ổn định bờ   biển.

Ninh Chinh