Lương y Nguyễn Văn Phúc và thảo dược Bạch tật lê

Đời sống - Ngày đăng : 10:07, 19/03/2020

BT- Khoảng hơn chục năm trước đây, tại Bình Thuận đã có sản phẩm bảo vệ sức khỏe - trà túi lọc Bạch tật lê do thầy thuốc Đông y Nguyễn Văn Phúc bào chế trên cơ sở ứng dụng, kế thừa từ y học cổ truyền Việt Nam và phương Đông. Thế nhưng, do bận công tác ở Hội Đông y tỉnh (trên cương vị Chủ tịch hội) nên ông không có nhiều thời gian để đầu tư đưa sản phẩm đến người tiêu dùng Bình Thuận. Công trình trà thảo dược Bạch tật lê đành gián đoạn. Năm 2019, sau khi nghỉ hưu lương y Nguyễn Văn Phúc (thị trấn Phú Long - Hàm Thuận Bắc) nhận thấy không thể để lãng phí một loại cây thuốc quý có rất nhiều ở Bình Thuận, trong khi rất nhiều người dân đang cần nó để bảo vệ sức khỏe. Vậy là ông đã tiếp tục đầu tư, theo đuổi một số bài thuốc mà mình tâm đắc sau gần 40 năm hành nghề lương y. Đầu năm 2020, ông đã cho ra thị trường sản phẩm thảo dược trà túi lọc Bạch tật lê để giúp mọi người cải thiện, tăng cường sức khỏe.
                
Sản phẩm bảo vệ sức khỏe của lương y Nguyễn    Văn Phúc.

 Theo các tài liệu dược học, Bạch tật lê có tên khoa học Tribulus Terrestris, thuộc loại thân thảo, mọc quanh năm. Thân cây bò sát mặt đất, chia thành nhiều nhánh, mỗi nhánh có thể dài đến 30 - 60 cm, trên thân có lông ngắn. Lá kép, có 5 - 7 lá chét, màu nâu nhạt, mùi thơm nhẹ. Cây trổ hoa vào cuối xuân đầu hạ. Bạch tật lê thường mọc hoang ở ven biển, ven sông điển hình như các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, có nhiều ở Bình Thuận và các tỉnh phía Nam. Vào tháng 8 - 9 khi quả chín người ta đào cả cây hay cắt lấy phần trên của cây đem về, sau đó dùng gậy cứng đập để quả rơi ra. Quả được chọn thường là những quả già, cứng và chắc. Bạch tật lê có thể dùng sống hoặc có thể sao qua cho cháy gai rồi sàng sảy để bỏ gai trước khi sử dụng. Tại Ấn Độ,  thảo dược bạch tật lê thường được dùng để kích thích ăn uống, tráng dương bổ thận, chống viêm, lợi tiểu, chữa sỏi thận. Tại Trung Quốc, bạch tật lê được sử dụng từ lâu đời. Thuốc có vị cay, đắng, tính ấm, giúp cân bằng gan, ổn dương, chữa trị nhức đầu, chóng mặt, chữa trị mắt sưng đỏ, chảy nước mắt sống; dùng chung với vỏ ve sầu và rễ cây phòng phong để trị ngứa ngoài da. Ở Việt Nam, nó được dùng chữa trị nhức đầu, đỏ mắt, chảy nước mắt sống, phong ngứa, kinh nguyệt không đều. Một số nghiên cứu cũng cho thấy dịch chiết xuất từ quả bạch tật lê giúp làm giảm huyết áp, lợi tiểu, chống sự kết tụ tạo thành sỏi thận. Chất saponin từ bạch tật lê có tác dụng làm giãn động mạch vành, hạ đường huyết, ức chế tế bào ung thư vú.

Theo lương y Phúc, Bạch tật lê còn tăng cường đề kháng, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch. Tiểu đường và tim mạch là căn bệnh phổ biến trong xã hội ngày nay, ngoài gây nguy hiểm cho sức khỏe chúng còn làm suy giảm chức năng sinh lý của phái mạnh. Dịch chiết saponin từ bạch tật lê sẽ giải quyết vấn đề này triệt để do nó có tác dụng tăng co bóp động mạch vành, kích thích hoạt động cơ tim, tăng tuần hoàn lưu thông máu nuôi tim. Ngoài ra saponin còn làm giảm lượng glucose và triglyserides trong máu xuống xấp xỉ 20 - 23,4%, giảm nguy cơ mỡ máu và đường huyết tăng.

Phát huy các dược tính trên, lương y Nguyễn Văn Phúc đã bào chế ra sản phẩm gói trà túi lọc, thành phần gồm: Bạch tật lê 85%, sài hồ 5%, bạch thược 5%, cam thảo 5%. Cách sử dụng: Ngâm trà túi lọc vào tách nước sôi khoảng 2 - 3 phút, uống thay trà. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 3 túi. Cũng có thể dùng 6 - 8 gói pha trong bình chứa 1 - 2 lít nước sôi, uống trong ngày. Công dụng chính của trà thảo dược này là: Hỗ trợ tăng tiết testosteron; tăng cường chức năng sinh lý ở nam giới; thanh lọc gan; cải thiện trí nhớ; hết mụn, nám, làm đẹp da; làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch…

Ngoài trà thảo dược Bạch tật lê, lương y Phúc còn bào chế các sản phẩm như: Trà thảo dược Huyền Vựng hỗ trợ ổn định huyết áp và viên nang Ích Tâm giúp hoạt huyết, ổn định tim mạch, an thần. Được biết lương y Nguyễn Văn Phúc đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Đông y tiêu biểu và Bộ Y tế tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền, kết hợp với y dược hiện đại.

Huỳnh Lê