Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân vùng đồng bào DTTS ngày càng mật thiết
Xã hội - Ngày đăng : 08:09, 07/07/2016
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hai – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng, tặng quà cho người có uy tín tại xã Phan Thanh (Bắc Bình) nhân dịp Tết Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. |
Tỉnh ta có 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 thành phần DTTS với 96.000 người (chiếm 7,54% dân số toàn tỉnh), riêng đồng bào Chăm có 41.200 người. Các DTTS có quy mô dân số không đều nhưng cư trú rộng khắp các địa bàn ở 9/10 huyện, thị, thành phố; một số dân tộc hình thành theo từng làng, thôn, xã riêng biệt ở 17 xã và 32 thôn. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các ngành, nghề truyền thống như: Đan lát, làm gốm, dệt thổ cẩm.
Để kinh tế ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào DTTS không ngừng phát triển, những năm qua tỉnh thường xuyên chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quan trọng. Tỉnh ủy có Nghị quyết 04 về “Xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”, HĐND tỉnh có Nghị quyết 17 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020”, UBND tỉnh có Quyết định 09 về trợ cấp đối với sinh viên là người DTTS đang học tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên cả nước. Cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp cũng chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc bằng những việc làm cụ thể gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế, hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường, trạm) vùng đồng bào DTTS nay đã được đầu tư căn bản. Qua thống kê, từ năm 2011 – 2015, UBND tỉnh, các huyện đã tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và địa phương ưu tiên vốn xây dựng 238 công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí trên 381 tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình thủy lợi như: hồ Phan Dũng, đập dâng Sông Phan, kênh chuyển nước Biển Lạc – Hàm Tân, hệ thống thủy lợi Tà Pao, kênh chuyển nước từ hồ Sông Móng về hồ Đu Đủ, hồ Tân Lập. Ở các xã vùng đồng bào Chăm, kinh tế tiếp tục có những bước phát triển theo hướng bền vững, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (từ 25,07% năm 2004 đến năm 2015 giảm còn 4,86%).
Trong xây dựng nông thôn mới, đã có 1 xã thuần đồng bào DTTS đạt chuẩn (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình) và 3 xã có thôn đồng bào DTTS xen ghép, gồm: xã Hàm Phú, Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc), xã Mépu (Đức Linh); giai đoạn 2016 – 2020, khả năng có 3 xã thuần đồng bào Chăm ở Bắc Bình đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Phan Thanh (năm 2016), Phan Hòa, Phan Hiệp (năm 2017).
Không chỉ tập trung cho phát triển kinh tế, Tỉnh ủy luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vụ việc, vấn đề phát sinh trong nhân dân. Hàng năm, nhân dịp các ngày lễ, tết của đồng bào DTTS, tỉnh và các huyện đều thành lập các đoàn lãnh đạo đến các xã, thôn, người có uy tín để chúc mừng, thăm hỏi, động viên. Từ đó, đã tạo được khối đại đoàn kết trong toàn dân, nhân dân vùng đồng bào DTTS luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đồng bào các DTTS luôn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng trong sạch vững mạnh...
TẤN THÀNH