Chỉnh trang đô thị Phan Thiết: Gọn gàng trước, đẹp làm sau
Xã hội - Ngày đăng : 08:48, 15/08/2016
Chợ tự phát tại ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Hội. |
“Stress” đô thị
Dọc các tuyến đường có xây dựng vỉa hè tại TP.Phan Thiết, ở đâu cũng có trường hợp người dân đổ xi măng xuống nền đường để tạo độ dốc đưa phương tiện lên nhà. Người dân vẫn biết việc làm này là sai quy định, nhưng không còn cách nào khác. Độ dốc của gờ đường cao quá, không đổ xi măng để giảm độ cao thì khó di chuyển phương tiện. Cùng với việc xây gờ đường quá cao thì việc dùng tấm bê tông đậy hố ga cũng khiến vỉa hè nhếch nhác vì theo thời gian bê tông bị hư hỏng hoặc bị sập bởi các phương tiện qua lại… Không chỉ làm vỉa hè mất đẹp, những hố ga này còn là những cái bẫy cho người đi bộ, đơn cử tại công viên Tôn Đức Thắng, ngay vòng xoay Viettel có 3 hố ga cao hơn mặt vỉa hè, khiến người dân đi lại khó khăn. Vào chiều 4/8, chúng tôi chứng kiến cảnh một cháu nhỏ vấp phải nắp hố ga nhô lên bị ngã làm xây xát chân tay. Có người khác thì vướng các mấu thép nhô lên từ các nắp bê tông…
Nơi này thì thế, nơi khác lại bị lấn chiếm bán hàng rồi tràn xuống lòng lề đường gia tăng theo thời gian. Tại điểm nóng chợ Phường trên đường Lê Hồng Phong, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường ngày một phức tạp, dù chính quyền 2 phường Phú Trinh, Phú Thủy luôn cho lực lượng đẩy đuổi. Nếu như trước đây tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường chỉ xảy ra từ cổng Trường Phan Bội Châu đến đường ray xe lửa thì nay đã kéo dài gần hết con đường. Tình trạng này kéo theo việc kẹt xe, ô nhiễm môi trường ở khu vực này ngày một tăng lên. Không chỉ ở chợ Phường mà tại chợ tạm Phan Thiết trước đây cũng thế. Sau khi chợ được dỡ bỏ, một số người thuê các kiot phía ngoài vẫn tiếp tục buôn bán và theo thời gian kéo thêm nhiều người khác và hệ lụy là một chợ tự phát đang hình thành. Hay như tại ngã ba giao nhau giữa đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Hội, một chợ tự phát đã hình thành cách đây không lâu. Chợ này nằm ngay chốt tín hiệu giao thông nên việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tình trạng trên càng nóng bỏng hơn khi đây đó trong thành phố xuất hiện các điểm tập kết rác thải tự phát. Hiện nay, tại TP. Phan Thiết hằng ngày lượng rác thải khá lớn, khoảng trên 350 tấn/ngày. Tuy nhiên, có khoảng 300 tấn/ngày đêm được thu gom, chiếm tỷ lệ 80% so tổng lượng rác thải phát sinh. Như vậy mỗi ngày có khoảng 50 tấn rác thải chưa được thu gom. Số rác này được người dân vứt ở mọi nơi, trong các khu đất trống chưa xây dựng hay bỏ xuống sông. Hệ lụy của việc này là rác trôi ra biển rồi theo sóng tấp vào bờ tạo ra những bãi rác như núi rác tại Phòng khám đa khoa Mũi Né. Tất cả đã làm thành phố Phan Thiết mất đẹp trong mắt du khách và người dân sống tại đây không khỏi ngao ngán.
Dọn “rác”
Tại hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải ven biển tại TP. Phan Thiết do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tổ chức vào tháng 7/2016 vừa qua, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải. Các giải pháp được đề xuất như các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn về ý thức gìn giữ môi trường cho người dân. Trên địa bàn thành phố cần có thêm nhiều panô, áp phích, biển báo với những khẩu hiệu, lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đi vào lòng người, nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi xả rác. TP.Phan Thiết nên đưa ra một quy định cụ thể về việc nhắc nhở, xử phạt những người vi phạm về hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Nếu người dân còn tiếp tục vi phạm thì sẽ nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng như ở Hàn Quốc đang làm để tăng tính răn đe, giáo dục. Song song đó lực lượng đoàn viên thanh niên và các nhà trường cần xây dựng một chương trình cụ thể, ấn định thời gian 1 tháng hay vài tháng tổ chức việc thu gom rác thải trên đường, ở bãi biển 1 lần.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đưa ra giải pháp thu gom rác thải tại nguồn bằng cách tổ chức thu gom xử lý chất thải thông qua việc đặt các thùng rác công cộng, nhằm nâng cao ý thức bỏ rác tập trung của người dân, đồng thời là nơi để du khách bỏ rác mỗi khi đến TP. Phan Thiết du lịch. UBND TP. Phan Thiết đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, giảm thiểu việc chôn lấp rác như hiện nay.
Trước hội thảo 10 ngày, tại cuộc họp với Thành ủy Phan Thiết về công tác quản lý xây dựng, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập những hình ảnh phản cảm liên quan đến việc xây dựng các hố ga, gờ đường. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu TP. Phan Thiết không áp dụng việc dựng cốt pha đổ bê tông làm gờ đường như lâu nay mà phải sử dụng các module đúc sẵn và giảm độ dốc của gờ đường để người dân tiện đi lại. Đồng thời yêu cầu TP. Phan Thiết thay các nắp cống bê tông thành nắp gang có in tên đơn vị quản lý, tránh gây nguy hiểm cho người dân. Với vấn đề chợ tạm, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu TP. Phan Thiết phải xử lý kiên quyết, dứt điểm. Việc xử lý những người dừng xe dưới lòng đường tham gia mua hàng tại những khu vực này cũng cần được xử lý. Không ít những người dừng xe mua hàng là công nhân viên chức, vì vậy nên chăng TP. Phan Thiết cần ra quy định xử phạt rồi thông báo về cơ quan như việc xử phạt vi phạm giao thông được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng…
TP. Phan Thiết đang hướng tới đô thị loại I vào năm 2025, cùng với việc thực hiện quy hoạch, đầu tư cho phát triển thì việc khắc phục những tồn tại trong xây dựng, quản lý trật tự đô thị nề nếp là hết sức cần thiết. Trước mắt để thành phố gọn gàng rồi mới tính đến chuyện làm đẹp trong tương lai.
Mai Vân