Bầu cử châu Âu 2017: Cánh Tả Đức lo cho phong trào Xã hội Pháp

Quốc tế - Ngày đăng : 15:11, 14/04/2017

Có một sự tương thông về vận mệnh giữa phong trào Xã hội ở Pháp và phe cánh Tả tại Đức trong thời gian này.

Trong khi đảng Xã hội Pháp đứng bên bờ của sự chia rẽ, đảng chị em tại Đức - đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lại đang ung dung với một làn sóng đoàn kết mới, thậm chí là còn thu hút sự ủng hộ lớn hơn. Nhưng trong bối cảnh tư tưởng dân chủ xã hội đang đi chệch hướng khắp châu Âu, người Đức không nên lạc quan sớm.

                
      
      Ứng cử viên Tổng    thống Pháp Bemoit Hamon tới Berlin để tìm sự ủng hộ của lãnh đạo phe    cánh Tả ở Đức Martin Schulz. Ảnh: DPA.

Cách đây không lâu, việc lãnh đạo đảng SPD của Đức công bố sự hậu thuẫn với ứng cử viên Tổng thống của đảng Xã hội Pháp không phải là điều gì đáng chú ý. Nhưng kể từ khi Benoît Hamon, ứng cử viên của đảng Xã hội tới Berlin để vận động sự ủng hộ của SPD cách đây 2 tuần, nhiều người lại đặt câu hỏi ông này có chắc chắn nhận được sự hậu thuẫn đó không.

Tại đây, Martin Schulz, lãnh đạo mới của SPD và ứng cử viên Thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử tháng 9, đã dành tặng ông Hamon cái siết tay nồng ấm. Với giọng tiếng Pháp trôi chảy, ông Schulz tuyên bố: “Benoît Hamon sẽ được SPD ủng hộ. Đó là sự hậu thuẫn cao nhất”.

Ông Hamon, cựu bộ trưởng trong Chính phủ trung tả ở Pháp là “một người có niềm tin rất lớn, thứ giúp ông ấy chiến đấu”. Schulz cố gắng tán dương với giọng điệu đầy lạc quan. Nhưng nhiều người, trong đó có cả ông Hamon cũng cảm thấy khó thuyết phục cho sự ủng hộ này.

Có một thực tế khá khó chịu là một lãnh đạo khác của SPD, Sigmar Gabriel, đương kim phó Thủ tướng và bộ trưởng Ngoại giao, hai tuần trước đó lại công khai ủng hộ một ứng viên khác trong cuộc bầu cử tại Pháp - một người đào tẩu khỏi hàng ngũ đảng Xã hội: Emmanuel Macron.

Ông Manuel từng đảm nhận chức vụ bộ trưởng Kinh tế, dành cảm tình cho người đồng cấp ở nước láng giềng. “Với những gì tôi từng thấy, ông là ứng cử viên Tổng thống duy nhất ở Pháp theo đuổi một đường hướng minh bạch và rõ ràng cho châu Âu” - ông Gabriel nói trong tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Macron của mình.

                
      
       5 ứng cử viên hàng    đầu trong cuộc bầu cử Pháp tranh luận trên truyền hình.    Ảnh: Handelsblatt Global.

Cuộc “nội chiến” tại Pháp

Không ít hơn 3 ứng cử viên đại diện cho quan điểm xã hội đang cạnh tranh với nhau.

Và động thái của ông Gabriel là một chiến thuật khôn ngoan. Macron đang có nhiều cơ hội  để đánh bại phe cực hữu tại Pháp và giành chiếc ghế Tổng thống hơn là một “lựa chọn” Hamon đầy rủi ro. Ulrike Guérot, chuyên gia về quan hệ Pháp- Đức, và là người đứng đầu một think-tank về chính trị tại Berlin nhận xét như vậy.

Macron là một chính trị gia theo đường lối trung tả, từng thôi chức bộ trưởng Kinh tế để tham gia của bầu cử Tổng thống. Ông này cũng từng là thành viên đảng Xã hội nhưng đã rời đi để có cơ hội tranh cử. Nhiều người Pháp gọi ông là kẻ cơ hội, không ít lại coi ông là kẻ phản bội.

Theo Handelsblatt Global, Macron là hiện thân của sự phân ly và khủng hoảng mà phong trào xã hội Pháp, cũng như tư tưởng dân chủ xã hội tại Tây Âu, đang gặp phải.

Tình hình trên thực tế còn tồi tệ hơn. Một ứng cử viên Tổng thống Pháp khác là Jean-Luc Mélenchon, cựu bộ trưởng giáo dục, rời khỏi đảng Xã hội Pháp 10 năm trước để rồi tự đứng ra thành lập chính đảng riêng- đảng Cánh tả. Ông Mélenchon đang có sự bứt phá và đã vượt qua cả đối thủ Hamon.

Sự đổ vỡ của đảng chị em tại Pháp khiến cho SPD phải lo lắng. Hàng thập kỷ qua, hai chính đảng trung tả này đã hỗ trợ và hợp tác với nhau, ít nhất là tại Nghị viện châu Âu, nơi ông Hamon và Schulz cùng là nghị sĩ và ở cùng một nhóm đại biểu.

Các thành viên của phong trào Dân chủ xã hội Đức đang chia rẽ theo cách mà những người Xã hội Pháp đang trải qua. “Nếu cánh Tả Pháp đoàn kết, điều đó sẽ giúp cho cánh Tả ở Đức rất nhiều”. chuyên gia Guérot nói. Nhưng điều đó đã không đi đúng mong muốn: “Cánh Tả ở Đức đang cố đối mặt với sự xói mòn nhanh chóng. Điều này cũng lặp lại ở Pháp”.

                
      
      Cựu chủ tịch Nghị    viện châu Âu Martin Schulz sẽ phải giải quyết bài toán đoàn kết giữa    SPD và các đảng cánh Tả ở Đức. Ảnh: Politico.

Vết thương chưa liền

Những đổ vỡ tại Pháp đều hiện diện trong nội bộ SPD. Thậm chí nó đã xuất hiện từ lâu. Lần cuối cùng đại diện của đảng Dân chủ Xã hội Đức nắm quyền, giai đoạn 1998 đến 2005 với vị thủ tướng Gerhard Schröder, họ đã phát động một cuộc cải cách lao động và cắt giảm phúc lợi lớn. Và kể từ sau Hartz IV-  đạo luật gây tranh cãi nhất trong lịch sử cải cách ở Đức, thành tựu cứ dần xa lánh SPD.

Hệ quả tiếp theo là nội bộ SPD bị chia rẽ nặng nề hơn. Một bộ phận SPD ly khai thành một đảng mới thiên tả hơn trong tổng thể nền chính trị Đức với tên gọi Die Linke (hay Đảng cánh Tả).

Gần đây người ta còn chứng kiến sự cạnh tranh giữa Die Linke với SPD, hay “đấu đá nội bộ” giữa phái Tả và cánh ôn hòa trong SPD. Đây chính là điểm dễ được liên hệ với tình cảnh của đảng Xã hội tại Pháp.

“Vết thương mà cuộc cải cách Hartz IV gây ra với cánh Tả ở Đức vẫn chưa liền” - Ulrike Guérot, nhà sáng lập và là giám đốc Phòng Thí nghiệm Dân chủ châu Âu nhận định.

Hồi tháng 1, việc đề cử ông Martin Schulz làm đại diện của SPD ra tranh cử Thủ tướng gây ngạc nhiên lớn. Lần đầu tiên những thành viên của SPD thắp lên hy vọng rằng họ sẽ vượt qua được nội chiến Tả- Tả để giành chiến thắng. Có cơ sở cho hy vọng này.

SPD đang vượt lên trong các cuộc thăm dò và còn so kè 1- 2 với phái bảo thủ đang cầm quyền của bà Angela Merkel. Ông Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu nhận được 100% số phiếu đại biểu tại Đại hội của đảng này để trở thành chủ tịch đảng và ra tranh cử, dù có ít kinh nghiệm tại chính trường Đức. 

Tất cả cho thấy quyết tâm của các thành viên SPD lấy lại vinh quang quá khứ. “Những thành viên Dân chủ xã hội muốn trở lại với quyền lực. Đó là mục tiêu tối thượng lúc này. Nên họ muốn đoàn kết bên ông Martin Schulz” - Timo Lochocki, học giả về quan hệ Xuyên Đại Tây Dương, Quỹ Marshall Đức của Mỹ nhận xét.

Liên minh nào cho cánh Tả ở Đức?

Con đường ngắn nhất để SPD tiến tới quyền lực là hợp tác với Die Linke. Đó sẽ là một liên minh gồm 3 đảng xu hướng cánh tả (gồm cả đảng Xanh vốn tập trung vào các vấn đề sinh thái).

Nhưng cuộc bầu cử khu vực tại bang Saarland hôm 26/3 đã cho thấy ý tưởng này khó thành công. Lý do lớn nhất cho sự thất bại của SPD tại Saarland là vì các cử tri trung dung không muốn có một chính phủ liên minh giữa SPD và Die Linke. 

Die Linke là một tập hợp những người Cộng sản ở Đông Đức và đặc biệt là cả các chính trị gia ở các bang phía Tây. Đó là những người cấp tiến chủ trương bài tư bản, chống NATO hay “nói không” với EU như Oskar Lafontaine, một mưu sĩ ở Saarland chống SPD kịch liệt.

Lafontaine rời khỏi đảng sau cơn cuồng nộ liên quan tới cải cách Hartz IV. Một chính phủ có yếu tố bất thường, theo lời Oskar Niedermayer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tự do ở Berlin. “Và nhiều người sợ điều đó”.

Chính vì thế, ngay sau cuộc bầu cử tại bang Saarland, nhiều chính trị gia cao cấp của SPD, trong đó có ông Schulz, đã cố gắng tách đảng này ra khỏi một liên minh đầy tính khả thi với Die Linke.

Đáng kể nhất là việc cựu thủ tướng Gerhard Schöder- tác giả của cuộc cải cách Hartz IV- thúc giục SPD tìm kiếm liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Một liên minh như vậy sẽ có thể hấp dẫn hơn với các cử tri trung dung.

Nhưng lựa chọn này lại hủy hoại mối quan hệ giữa SPD với phong trào cánh tả ở Đức. Những nhà hoạt động cánh tả đang đặt dấu hỏi lớn về sự gần gũi giữa FDP - một đảng ủng hộ thị trường tự do với cánh tư bản ở Đức. Đó chẳng khác gì sự phản bội.

Nếu điều đó xảy ra, cuộc chiến năm xưa chống lại cuộc cải cách của ông Schöder sẽ lại tái diễn. “Những vết thương mà Hartz IV gây ra với phong trào cánh Tả ở Đức vẫn chưa liền”. Chuyên gia Guérot đồng thời cho rằng ông Schulz sẽ phải “niêm phong” lỗi thuộc về tư tưởng bên trong SPD. 

Sự tan rã của chính trị chính thống

Sự so sánh đã đi đến điểm tương đồng. Những người Dân chủ Xã hội ở Đức dõi theo cuộc bầu cử Pháp với sự bất an. Giống như ở Berlin, cánh tả ở Pháp cũng “chia năm xẻ bảy” với một người có vẻ bề ngoài tươi mới, cấp tiến và ủng hộ thị trường (Macron), một người muốn phục hưng các quan điểm Marxist (Mélenchon), hay một viên chức trong đảng ở dạng tầm tầm (Hamon).

Nếu phong trào Xã hội tại Pháp thất bại lần này, một làn sóng tươi mới kiểu “Hiệu ứng Schulz” cũng chẳng thể cứu được làn sóng Dân chủ Xã hội tại Đức về lâu dài. 

Căn cứ vào các kết quả thăm dò, ông Macron và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử tại Pháp. Họ có thể chiếm tới một nửa số phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 23/4.

Đáng ngạc nhiên là đảng của họ chưa từng lãnh đạo nước Pháp kể từ Thế chiến thứ Hai. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử này. Điều đó cho thấy sự bùng nổ của chính trị chính thống ở châu Âu và cấu trúc đảng phái truyền thống tại Pháp.

“Nhiều người vẫn tự tin rằng nền chính trị Đức ổn định hơn nhiều so với nước láng giềng” bà Guérot bình luận. “Thực tế thì nước Đức đang chứng kiến sự tan rã dần dần của các đảng chính thống, trong khi tại Pháp nó đã tan vỡ hết rồi".

Phan Tùng/VOV