Khủng bố London làm Thủ tướng Anh mất điểm trước bầu cử
Quốc tế - Ngày đăng : 15:15, 06/06/2017
Chỉ còn hai ngày nữa, cử tri Anh sẽ tới các điểm bỏ phiếu để quyết định xem Đảng nào sẽ chiếm ưu thế trong Quốc hội Anh, và kết quả của cuộc bỏ phiếu này sẽ tác động rất nhiều đến kinh tế cũng như tương lai của nước Anh.
Những bất trắc về cuộc Tổng tuyển cử, vốn ban đầu đã được coi là chắc chắn sẽ về tay Đảng Bảo thủ cầm quyền - đã đột ngột bùng lên, sau một loạt tranh cãi và chỉ trích liên quan đến chính sách an ninh của Thủ tướng Anh Theresa May.
Giới phân tích cho rằng, các vụ tấn công khủng bố chắc chắn sẽ có tác động đến kết quả cuộc tổng tuyển cử Anh diễn ra ngày 8/6 tới. (Ảnh: BBC) |
Sau vụ tấn công khủng bố xảy ra tại London hôm 3/6 vừa qua, an ninh và chống khủng bố đang được xem là một chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử của các đảng phái.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hôm qua (5/6), Thủ tướng Anh Theresa May đã bác bỏ bình luận về việc đảng Bảo thủ cần có bao nhiều ghế để giành chiến thắng. Thay vào đó, bà tập trung nói về an ninh của nước Anh.
Bà May cho biết: “Chúng tôi không thể phủ nhận nguy cơ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là một trong những nguy cơ lớn nhất mà nước Anh đang phải đối mặt. Tôi tin rằng đó là quyền và nghĩa vụ của Anh trong việc tham gia đánh bại các nhóm khủng bố như IS và các nhóm cực đoan tương tự trên khắp thế giới”.
Nhà lãnh đạo này khẳng định các phần tử Hồi giáo cực đoan đang khai thác mạng xã hội để truyền bá tư tưởng cực đoan, xúi giục người dân thực hiện hành vi khủng bố. Do đó, Anh cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để đánh bại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vốn kích động thù hằn, chia rẽ và bạo lực.
Đánh giá về lời kêu gọi của Thủ tướng May liên quan tới điều chỉnh chiến lược đối với Hồi giáo cực đoan, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn "The Economist" (Anh) nhận định, bà Theresa May đã đưa ra một lời kêu gọi “chung chung” mà không đề cập đến những biện pháp cụ thể. Theo bộ phận phân tích này, việc Thủ tướng Theresa May đưa ra lời kêu gọi như vậy có thể nhằm mục đích thu hút phiếu bầu của cử tri.
Việc các lực lượng an ninh - cảnh sát Anh không thể ngăn chặn vụ tấn công ở cầu London và khu chợ Borough đã đẩy bà Theresa May lâm vào tình cảnh dễ bị tổn thương trước những đòn công kích chính trị.
Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn không bỏ lỡ dịp này khi lên tiếng chỉ trích bà Theresa May trong thời gian nắm giữ chức vụ Bộ trưởng nội vụ Anh từ năm 2010 - 2016 đã cắt giảm sự hiện diện của quân đội và cảnh sát, khiến an ninh nước Anh bị đe dọa.
Trong khi Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan thì cho rằng: “Cảnh sát đã thực hiện tốt nhiệm vụ với nguồn lực hiện có. Nhưng không thể phủ nhận sự thật rằng trong thời gian qua, chúng tôi đã phải cắt giảm 600 triệu bảng Anh trong ngân sách, cắt giảm biên chế hàng nghìn nhân viên cảnh sát. Trong 4 năm tới, có rất nhiều kế hoạch cắt giảm sâu hơn nữa nguồn tài chính. Thực tế, chúng tôi không nhận được đủ sự hỗ trợ về tài chính”.
Giới phân tích cho rằng, các vụ tấn công khủng bố chắc chắn sẽ có tác động đến kết quả cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 8/6 tới. Theo dự báo của EIU, với quan điểm cứng rắn đối với Hồi giáo cực đoan hơn hẳn các đảng phái khác, đảng Nước Anh độc lập (UKIP) có thể sẽ giành giật phiếu bầu từ đảng Bảo thủ của bà Theresa May. Tuy vậy, EIU hiện chưa thay đổi dự báo rằng đảng Bảo thủ sẽ giành thắng lợi đa số tại tổng tuyển cử.
Thực tế, ngay trước cuộc tấn công tại cầu London (Anh) cuối tuần qua, hi vọng thắng cử của bà Theresa May trong cuộc bầu cử ngày 8/6 đã trở nên mong manh sau khi các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ cho đảng Bảo thủ do bà lãnh đạo đã có sự xáo trộn.
Theo kết quả thăm dò của Kênh truyền hình ITV công bố hôm 5/6, đảng Bảo Thủ cầm quyền dẫn trước Công đảng 1 điểm %. Theo đó, tỉ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ là 41,5%, trong khi tỉ lệ ủng hộ Công đảng là 40,5%.
Cách đây 1 tuần, khoảng cách này là 6 điểm %. Còn theo kết quả thăm dò của YouGov, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May có khả năng chỉ giành được 305 ghế Quốc hội Anh trong cuộc bầu cử tới, tức là thiếu 21 ghế để đạt được đa số quá bán 326/650 ghế.
Nếu không giành được đa số quá bán trong Quốc hội, vị thế của Thủ tướng Theresa May sẽ bị suy yếu trong các cuộc đàm phán chính thức về nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit), đồng thời đẩy nước Anh vào hỗn loạn chính trị.
Ngoài ra, nữ chính khách này sẽ buộc phải đi tới một thỏa thuận với các đảng khác để tiếp tục lãnh đạo một chính phủ liên minh hoặc chính phủ thiểu số. Việc này sẽ gây hậu quả bất ổn đối với nền kinh tế Anh cũng như các chính sách của chính phủ về mọi vấn đề, từ chi tiêu của chính phủ, thuế công ty tới việc phát hành trái phiếu./.
Hồng Anh/VOV