Bộ trưởng Quốc phòng Nhật từ chức: Đòn giáng mạnh vào Thủ tướng Abe

Quốc tế - Ngày đăng : 08:18, 29/07/2017

Sau vụ từ chức của nữ Bộ trưởng Inada, Thủ tướng Nhật Bản Abe nhiều khả năng sẽ thực hiện những cải cách mạnh mẽ để tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada hôm 28/7 đã đệ đơn xin từ chức. Đây là một đòn mạnh nữa giáng vào Thủ tướng Shinzo Abe trong bối cảnh chỉ số tín nhiệm đối với chính phủ và đảng cầm quyền đang giảm sút mạnh, buộc ông phải tiến hành một cuộc cải tổ nội các sâu rộng.

                
      
      Thủ tướng Nhật Abe và    nữ Bộ trưởng Quốc phòng Inada (phải). Ảnh: SCMP.

Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada đã quyết tâm rời chính phủ sau vụ bê bối “bưng bít thông tin” liên quan đến nhiệm vụ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại nước ngoài.

Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 28/7 tại thủ đô Tokyo, bà Inada cho biết đã gửi đơn từ chức tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đã được chấp thuận. Bà Inada cũng cho rằng, vụ bê bối liên quan tới nghi vấn che giấu thông tin của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nên được khép lại tại đây.

“Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, người chịu trách nhiệm chỉ huy Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về những vấn đề này”, bà Inada nói. “Vì thế tôi quyết định trả lại một tháng tiền lương và từ chức Bộ trưởng Quốc phòng”.

Chỉ vài phút sau khi Bộ trưởng Quốc phòng chính thức công bố thông tin từ chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ lấy làm tiếc khi phải chấp thuận đơn từ chức của bà Inada và gửi lời xin lỗi tới công chúng Nhật Bản: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc và chân thành từ trái tim tới nhân dân Nhật Bản vì sự từ chức của một thành viên chính phủ.”

Bà Inada, 58 tuổi, là một luật sư chuyển sang làm chính trị và là nữ Bộ trưởng Quốc phòng thứ 2 của Nhật Bản. Dù được kỳ vọng sẽ kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe trong tương lai, song trong 1 năm qua kể từ khi nhậm chức ngày 3/8/2016, cương vị mới của bà  lại bị phủ bóng đen bởi hàng loạt những sơ xuất và chỉ trích.

Đây cũng là Bộ trưởng thứ 6 của Nhật Bản từ chức do một vụ bê bối kể từ khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản cuối năm 2012 và là quan chức cấp cao thứ 2 từ chức trong 1 tháng qua. 

Quyết định đưa ra chưa đầy một tuần trước khi diễn ra cuộc cải tổ nội các dự kiến vào tuần tới, trong bối cảnh chỉ số tín nhiệm của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe giảm sút nghiêm trọng, phần nào liên quan đến những bê bối do các thành viên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, trong đó có bà Inada, gây ra.

Cuộc điều tra về phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan và công bố từ chức của hai trong số những quan chức cấp cao nhất đang đặt Thủ tướng trước những thử thách. Ông Abe mới đây cũng phải thừa nhận, đây là một vấn đề nghiêm trọng.

Phe đối lập không để yên

Trong một phản ứng mới nhất, các nghị sĩ đối lập Nhật Bản hôm 28/7 tuyên bố sẽ không cho phép bà Tomomi Inada từ chức nhằm kết thúc các điều tra về vụ bê bối.

Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định bổ nhiệm Ngoại trưởng Fumio Kishida tạm thời kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng cho tới khi diễn ra cuộc cải tổ nội các vào ngày 3/8 tới.

Trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Inada từ chức, mà giới chuyên gia cho là tất yếu do sức ép ngày càng tăng của phe đối lập, ông Abe cũng đã phải nhận một đòn giáng mạnh khác, đó là thất bại lịch sử của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương tại Tokyo.

Chưa bao giờ đảng Dân chủ tự do cầm quyền, đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Nhật Bản từ năm 1995 lại phải chứng kiến một sự sụp đổ như thế khi chỉ giành được 23 trên tổng số 127 ghế tại Hội đồng thành phố.

Tuy nhiên nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe sẽ kéo dài tới năm 2021 và vì thế theo các nhà phân tích, ông chắc chắn sẽ có những cải cách mạnh mẽ để tiếp tục lãnh đạo đất nước cho tới cuối cùng. Để làm được điều này, nhiệm vụ trước mắt của ông là khôi phục lòng tin trong nhân dân và trong đảng để có thể  tái đắc cử chức Chủ tịch đảng cầm quyền vào năm 2018 và để có thể đạt mục tiêu chính trị lớn nhất là cải cách bản Hiến pháp hòa bình có hiệu lực từ năm 1947.

Thu Hoài/VOV