Bất ngờ về lý do Triều Tiên không sợ cấm vận dầu mỏ
Quốc tế - Ngày đăng : 10:32, 09/09/2017
Mặc dù Mỹ đang sắp sửa hoàn tất soạn thảo một dự thảo các biện pháp cấm vận mới áp đặt lên Triều Tiên, trong đó có việc cấm vận về dầu mỏ với đất nước này do Bình Nhưỡng vừa thực hiện thử nghiệm bom nhiệt hạch ngày 3/9. Song dường như biện pháp này có vẻ vô ích bởi Triều Tiên có vẻ ít chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận dầu mỏ.
Dàn khoan số 401 của Triều Tiên do Rumani chế tạo. (Ảnh: SOCO) |
Trước đó, Hàn Quốc đề nghị chặn đứng nguồn cung cấp dầu thô nước ngoài dành cho Triều Tiên để đáp trả việc Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, theo chuyên gia chính trị Dmitry Verkhoturovm, thì có ít nhất 3 lý do khiến kế hoạch tác động đến Triều Tiên thông qua dầu mỏ mà Hàn Quốc và Mỹ khởi xướng sẽ thất bại.
Thứ nhất, theo ước tính của Bộ ngoại thương Triều Tiên, trữ lượng dầu mỏ hiện có của quốc gia này vào khoảng 60 đến 90 triệu thùng. Mặc dù các đánh giá của Triều Tiên thường được cho là phóng đại so với bình thường, nhưng chuyên gia Verkhoturovm cho rằng vẫn có cơ sở để khẳng định phần nào đó điều này.
Từ năm 1992, một số các công ty đã tiến hành khảo sát địa chất tại Triều Tiên, trong đó có Petroleum NL, Taurus Petroleum AB và Puspita Emas Sdn. Bhd. Các cuộc khảo sát cho thấy Triều Tiên cũng có các mỏ dầu và khí đốt.
Tàu chở dầu MV Morning Glory từng thuộc sở hữu của Triều Tiên, nhưng hiện do phía Lybia giữ tại thành phố Zawiya. |
Năm 1998, công ty SOCO International PLC của Anh đã thực hiện khoan thăm dò với độ sâu 4300 m tại khu vực được cho là có mỏ dầu tại Triều Tiên. Mũi khoan thăm dò này được thực hiện bởi dàn khoan mà Triều Tiên mua lại từ Rumani trước đó.
Đến năm 2004, sau khi khảo sát thềm lục địa biển Nhật Bản, một công ty của Anh khác là Aminex PLC xác nhận rằng trữ lượng dầu thô ở khu vực này khoảng 4-5 tỷ thùng.
Đồng thời, công ty HBOil của Mông Cổ cũng tiến hành các hoạt động khoan thăm dò ở khu vực phía nam Bình Nhưỡng với tổng cộng 22 giếng khoan. Hầu hết các giếng này đều có dầu thô, cho phép Triều Tiên khai thác khoảng 75 thùng dầu thô mỗi ngày từ mỗi giếng khoan này.
Thứ hai, Triều Tiên thuê các công ty dầu khí nước ngoài thực hiện các hoạt động khó nhất trong việc thăm dò dầu khí. Một khi các mỏ dầu khí này được xác nhận và các khối khí đốt hoặc các thùng dầu đầu tiên được khai thác, Bình Nhưỡng chấm dứt hợp đồng và tiếp tục tự khai thác từ các mỏ này.
Thứ ba, Triều Tiên dường như đã làm chủ công nghệ khai thác dầu khí. Chuyên gia Verkhoturov nhấn mạnh rằng nhiều người mắc sai lầm phổ biến khi cho rằng Triều Tiên không làm chủ công nghệ này, ông cho rằng trước năm 1991, Triều Tiên đã mua được một số lượng dàn khoan dầu do Liên Xô hoặc Rumani chế tạo.
Các vị trí được cho là các mỏ dầu của Triều Tiên. |
Vị chuyên gia này cho rằng, Bình Nhưỡng đã dành nhiều sự quan tâm của mình cho vấn đề năng lượng bên cạnh các chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Ông cũng cho rằng Triều Tiên đã bắt đầu khai thác dầu thô từ các mỏ của mình, bao gồm các giếng khoan do công ty Mông Cổ thực hiện, từ khoảng năm 2001-2002.
“Một giếng dầu với sản lượng 75 thùng/ngày sẽ cho ra hơn 27.000 thùng/năm, và lúc đó 10 giếng có thể cho ra 270.000 thùng/năm. Đó là con số tối thiểu, và có khả năng Triều Tiên khai thác được nhiều dầu hơn”, ông Verkhoturov.
Rốt cục, trong bất cứ trường hợp nào thì lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ chỉ khiến cho Triều Tiên nỗ lực hơn nữa trong việc tự khai thác dầu thô, và điều này đồng nghĩa với việc kế hoạch ép Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa bằng các lệnh cấm vận do Seoul và Washington khởi xướng sẽ đi đến thất bại, chuyên gia Verkhoturov kết luận.
Ngày 6/9, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt mới do Mỹ soạn thảo vào ngày 11/9. Bản dự thảo này bao gồm việc cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên.
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ xem xét thật kỹ dự thảo lệnh cấm vận này, còn trước đó bên cạnh việc tuyên bố Nga không công nhận vị thế hạt nhân của Triều Tiên, tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định rằng các biện pháp cấm vận Triều Tiên sẽ chẳng giải quyết được căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện tại mà còn làm tình hình xấu đi.
Ông Putin cũng khẳng định Moscow chủ trương giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán, đồng thời đưa ra một đề xuất táo bạo để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, đó là cho phép và mời Triều Tiên tham gia vào các dự án hợp tác với các nước trong khu vực.
Nguyễn Tiến/VTC