Loạt phản ứng trái chiều sau bài phát biểu của ông Trump ở LHQ

Quốc tế - Ngày đăng : 14:06, 21/09/2017

Ngoại trưởng Iran cho rằng, bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ trước Đại hội đồng LHQ ngày 19/9 thể hiện sự “thiếu hiểu biết” của ông Trump.

 “Tuyên bố không biết xấu hổ và thiếu hiểu biết của Tổng thống Trump, trong đó ông ta phớt lờ cuộc chiến của Iran chống chủ nghĩa khủng bố, đã cho thấy sự thiếu kiến thức lẫn nhận thức của ông ấy”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chia sẻ với hãng thông tấn bán chính thức Fars News Agency.

                
      
      Phản ứng của đoàn đại    biểu Iran khi nghe ông Trump phát biểu. (Ảnh: AP)

Phản ứng này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9, đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vốn là người gắn bó mật thiết với tiến trình đàm phán dẫn tới thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch hành động chung tổng thể (JCPOA) này. Ông đã lên tiếng phản bác cáo buộc của Tổng thống Trump rằng Iran tài trợ khủng bố và làm cho khu vực vùng Vịnh bất ổn.

“Bài phát biểu thiếu hiểu biết và gây thù hằn của ông Trump thuộc về thời trung cổ chứ không phải để nói tại Liên Hợp Quốc giữa thế kỷ 21 và không xứng để đáp trả. Sự cảm thông giả tạo dành cho người dân Iran chẳng thể lừa nổi ai” - Ngoại trưởng Iran chia sẻ trên Twitter, một mạng xã hội mà ông Trump sử dụng nhiều nhất.

Không chỉ có Iran chỉ trích ông Trump

Nhẹ nhàng hơn nhưng đi thẳng vào vấn đề, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo người đồng cấp Mỹ Donald Trump rằng việc cô lập Iran chỉ khiến những nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 năm qua ở Syria càng thêm khó khăn.

Hiện Iran, cùng với Nga, đang là nhân tố chính hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng chính phủ Syria đang thắng thế trên nhiều mặt trận trước cả quân nổi dậy và các phần tử thánh chiến, khủng bố.

Trong bối cảnh Tổng thống Assad đang ở thế thượng phong, Tổng thống Pháp Macron gia nhập nhóm các nhà lãnh đạo phương Tây từ bỏ nỗ lực lật đổ chính quyền ở Damascus, thay vào đó hoan nghênh vai trò của Iran trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình cho Syria.

“Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề Syria với sự có mặt của Iran quanh bàn đàm phán, chúng ta sẽ không đạt được hiệu quả vì Iran ngày nay nằm trong số những quốc gia có ảnh hưởng ở thực địa”, ông Macron nhận định trong một cuộc họp báo mới đây.

Chia sẻ với kênh France 24, ông Macron cho rằng: “việc chối bỏ [thỏa thuận hạt nhân Iran – ND] sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, không tôn trọng thỏa thuận đó thì sẽ là vô trách nhiệm, bởi vì đây là một thỏa thuận tốt và nó cần thiết cho hòa bình vào thời điểm mà chúng ta không thể loại trừ nguy cơ tai họa từ địa ngục có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào”. Tổng thống Pháp cũng nhắc lại chỉ trích việc ông Trump thề rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.

                
      
      Tổng thống Pháp    Macron gặp Ngoại trưởng Iran ngày 18/9/2017, trước thềm cuộc họp Đại    hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP)

Khi ông Trump tuyên bố Mỹ có thể “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom đã khoanh tay lại. Sau đó bà chia sẻ với kênh BBC (Anh) rằng: “Đó là một bài phát biểu sai lầm vào sai thời điểm và sai đối tượng nghe” – theo AP.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc thì đã bỏ ra ngoài trước khi ông Trump phát biểu. Một ngày sau, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 21/9 cảnh báo Mỹ “sẽ phải đối mặt với một vụ tấn công hạt nhân kinh hoàng và sẽ bị phá hủy hoàn toàn”. KCNA khẳng định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và quân đội của ông “không hề run sợ trước bất kỳ lời đe dọa trừng phạt hoặc gây chiến nào”.

Nhưng vẫn còn những người ủng hộ ông Trump

Ông Trump vẫn còn những đồng minh khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhân cơ hội này, trong bài phát biểu của mình, đã ca ngợi đương kim Tổng thống Mỹ không chỉ vì ủng hộ lập trường của ông đối với JCPOA mà còn thân thiện với Israel hơn tiền nhiệm Barack Obama. Thủ tướng Netanyahu, người sau đó gọi Liên Hợp Quốc là “tâm chấn của chủ nghĩa bài Do Thái toàn cầu”, chia sẻ rằng trong suốt 30 năm kinh nghiệm làm việc với tổ chức này, ông chưa bao giờ nghe bài phát biểu nào “táo bạo và khích lệ” hơn thế.

Anh cũng được cho là ủng hộ bài phát biểu “nảy lửa” của Tổng thống Trump nhằm vào Iran và Triều Tiên, trong đó gọi chính quyền những nước này là “bất hảo”. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết London không mong muốn chiến tranh nhưng sẽ đi theo sự dẫn dắt của ông Trump.

“Như Tổng thống Trump nói, cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục hợp tác để đối đầu với những chế độ bất hảo và đó chính xác là những gì Thủ tướng Anh sẽ làm trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới ở New York tuần này”, người phát ngôn của chính phủ Anh chia sẻ với tờ Evening Standard của Anh. “Không ai muốn chứng kiến hành động quân sự nhưng trong lúc chúng ta thúc đẩy nỗ lực đảm bảo giải pháp ngoại giao hòa bình thì có thể sẽ sai lầm khi loại trừ bất cứ thứ gì khác”.

Diệu Hương/VOV