IAEA khẳng định vẫn tiếp cận được các cơ sở hạt nhân của Iran
Quốc tế - Ngày đăng : 08:01, 21/10/2017
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 tiếp tục vấp phải sự phản đối của những nước tham gia ký kết văn kiện này và ngay trong nội bộ nước Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano (thứ 2 từ trái sang) tại Paris ngày 19/10/2017. (Ảnh: Reuters) |
Tại cuộc gặp ngày 19/10 với người đứng đầu Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đang có chuyến thăm Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa kêu gọi Cơ quan này giám sát chặt chẽ việc tôn trọng thỏa thuận quốc tế đạt được năm 2015 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Đây có thể xem là câu trả lời cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Pháp sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, bất chấp bước đi ngược chiều của Mỹ. Hồi cuối tuần trước, ngay sau quyết định của Tổng thống Donald Trump, người đứng đầu nước Pháp cũng thông báo ý định thăm Iran trong thời gian tới.
IAEA là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm chứng quy mô cũng như bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran. Theo ông Yukiya Amano, trong lúc này, công tác kiểm chứng vẫn diễn ra thuận lợi, Iran đang thực hiện đúng các cam kết của mình. Các thanh sát viên của Cơ quan Liên Hợp Quốc cũng đã tiếp cận được với những khu vực cần phải kiểm tra.
Ông Yukiya Amano cho biết: “Tôi có thể khẳng định rằng, người Iran đang thận trọng. Bởi chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động giám sát và kiểm chứng mà không gặp bất cứ vấn đề gì”.
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian cho rằng, quốc tế có những vấn đề đáng lo ngại khác về Iran như chương trình tên lửa đạn đạo của nước này hay các hoạt động quân sự tại Syria. Song đây đều là những vấn đề tách biệt với thỏa thuận hạt nhân đạt được tại thành phố Vienne (Áo) năm 2015.
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian. (Ảnh: Reuters) |
Ông Le Drian nêu rõ: “Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế có thể xác minh, Iran không lạm dụng bất kỳ vật liệu hạt nhân nào và cũng đảm bảo, Iran không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc quân sự hóa một thiết bị hạt nhân, mà chúng tôi gọi là phần T của thỏa thuận. Điều này là đặc biệt quan trọng và nhờ có Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, mà hiện nay chúng ta không có bất kỳ mối quan ngại nào về vấn đề này”.
Mặc dù chưa tuyên bố sẽ rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân nhưng quyết định hồi tuần trước của Tổng thống Donald Trump sẽ mở đường cho Quốc hội Mỹ xem xét tiến hành các lệnh cấm vận một lần nữa lên Iran, thậm chí có khả năng Mỹ sẽ rút khỏi bản thỏa thuận. Chính quyền mới ở Mỹ cũng đã chấm dứt chính sách tránh can dự trực tiếp vào vấn đề Iran của chính quyền tiền nhiệm sang đối đầu trực tiếp.
Điều này gây nhiều quan ngại bởi không chỉ thổi bùng mồi lửa căng thẳng âm ỉ bấy lâu giữa Mỹ và Iran mà còn kéo theo những hệ lụy khó đoán đối với sự ổn định ở khu vực.
Trả lời phỏng vấn ngày 19/10, cựu Ngoại Mỹ John Kerry cảnh báo, quyết định chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể khiến Iran theo đuổi con đường phổ biến vũ khí hạt nhân và làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng hiện nay với Triều Tiên.
Ông John Kerry là người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán đi tới thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc). Theo ông John Kerry, nếu muốn đàm phán với Triều Tiên, mục tiêu hàng đầu của phương Tây là phải tránh chiến tranh và nỗ lực để đi tới một giải pháp ngoại giao.
Số phận của bản thỏa thuận ra sao vẫn chưa thể xác định được bởi các bên tham gia vẫn tuyên bố tiếp tục theo đuổi việc thực thi thỏa thuận kể cả khi Mỹ rút.
Tuy nhiên, trong lúc này, những diễn biến đáng lo ngại cũng đã xuất hiện.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm qua tuyên bố sẽ tiếp tục và mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo của Iran với tốc độ nhanh hơn nhằm đáp trả cách tiếp cận thù địch của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khameni tuyên bố, Iran sẽ tuân thủ hiệp ước miễn là các nước ký kết khác tôn trọng nó, nhưng sẽ phá vỡ văn kiện nếu Mỹ rút khỏi.
Trong khi đó, thị trường dầu mỏ thế giới cũng không tránh khỏi nguy cơ bị tác động bởi Iran là một trong những “đại gia” sản xuất dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Không ai trông đợi một cuộc đối đầu căng thẳng ở vùng vịnh sẽ xảy ra giữa Iran với Mỹ và các nước láng giềng khu vực, bởi thế giới từng chứng kiến thị trường “vàng đen” chao đảo ra sao do tình trạng bất ổn triền miên ở điểm nóng này.
Thu Hoài/VOV