Mỹ chỉ trích WB chỉ cho những nước giàu vay
Quốc tế - Ngày đăng : 08:49, 10/11/2017
Ông Malpass dẫn chứng trường hợp của Trung Quốc là một trong những ví dụ điển hình, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang là nước đi vay lớn nhất của WB, với khoản tiền 2,4 tỷ USD họ đã vay trong năm 2017. Chính quyền Trump sẽ thúc ép WB xóa các nước giàu ra khỏi danh sách cho vay vì kinh tế của họ đã phát triển, đủ khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay khác. Chuyên gia tài chính từng là cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 nhấn mạnh rằng, kể từ năm 2009, những nước đủ tư cách ra khỏi (hay còn gọi là “tốt nghiệp”) chính sách cho vay ưu đãi của WB vẫn tiếp tục nhận vốn vay, chiếm trung bình 40% tổng số tiền mà tổ chức này cho vay trên toàn thế giới. Hiện nay, 25 nước có mức thu nhập trên ngưỡng “tốt nghiệp” và 6 nước đang được xem xét có mức thu nhập cao, vượt quá 12.475 USD trên đầu người. Tuy nhiên, thu nhập chỉ là một trong những yếu tố được đưa vào cân nhắc khi WB đưa ra quyết định một nước có “tốt nghiệp” vay vốn ưu đãi hay không. Thực tế, một số nước sau khi “tốt nghiệp” đã phải quay lại vay vốn của WB, trong đó có Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990.
Theo số liệu của WB, mức thu nhập bình quân hằng năm theo đầu người của một quốc gia để bắt đầu xem xét “tốt nghiệp” là 6.895 USD. Trong khi đó, vào năm 2016,Trung Quốc có mức thu nhập bình quân đầu người hơn 8.200 USD, và Uruguay là 15.200 USD. Một phát ngôn viên của WB cho biết, các cổ đông của WB, trong đó Mỹ là cổ đông lớn nhất, đang tiến hành các cuộc thảo luận về việc tìm biện pháp hỗ trợ các nước tiến lên ngưỡng phát triển để tăng cường đóng góp vào sự phát triển và ổn định chung của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tăng tối đa nguồn hỗ trợ tài chính cho những nước đang phát triển.
Theo ông Malpass, WB đã không theo đuổi được định hướng của chính mình khi không đàm phán với các nước đã đạt đến ngưỡng “tốt nghiệp” để đưa họ ra khỏi chương trình vay ưu đãi.
P.Lan (Theo AFP)