Kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương hỗ trợ các vấn đề bức xúc

Xã hội - Ngày đăng : 08:22, 28/09/2016

BT- Ô nhiễm môi trường ở các nhà máy điện, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng thêm các hồ chứa nước, không đầu tư thủy điện La Ngâu, ưu tiên đầu tư hồ La Ngà 3, nghiên cứu việc phòng chống bệnh đốm nâu và mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, thu hút các dự án công nghệ cao… đó là các kiến nghị của Tỉnh ủy Bình Thuận với Ban Kinh tế Trung ương.
                
      
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính    trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các thành viên ở các bộ, ngành    tham quan mô hình kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi bò sữa, thịt công    nghệ cao ở Công ty Cổ phần sữa Thông Thuận.

Trước hết giải quyết  điểm nóng về môi trường. Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong với 4 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân - giai đoạn 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến nay, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang triển khai xây dựng. Thời gian qua, trong quá trình thi công và hoạt động, các dự án nhiệt điện đã gây ô nhiễm môi trường, nhất là từ khi Nhà máy Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động, phát sinh bụi, xỉ than… Mặt khác, những năm gần đây là từ năm 2015 hiện xâm thực bờ biển gần Trung tâm điện lực Vĩnh Tân liên tục gây sạt lở bờ biển làm ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản và đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương. Do nguy cơ tiềm ẩn về sự cố môi trường tại các nhà máy nhiệt điện là rất lớn, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm rà soát đánh giá lại tổng thể các tác động đối với môi trường của các dự án nhiệt điện tại Vĩnh Tân để có các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường một cách căn cơ nhằm bảo đảm an toàn môi trường ở mức cao nhất.

Ứng phó tình hình hạn hán, biến đổi khí hậu gắn với tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, Bình Thuận là tỉnh còn khó khăn, không thể tự cân đối nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đề nghị các bộ, ngành trung ương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Bình Thuận sớm triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án như các công trình thủy lợi là hồ chứa nước Sông Lũy (huyện Bắc Bình) sớm triển khai trong năm 2017 từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam) kinh phí 300 tỷ đồng, tỉnh đề xuất đầu tư từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Đề nghị Chính phủ không đầu tư thủy điện La Ngâu, ưu tiên đầu tư hồ La Ngà 3 (huyện Tánh Linh), (Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 1282/UBND-ĐTQH ngày 22/4/2016 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ). Hỗ trợ 459 tỷ đồng để đền bù và xây dựng hệ thống kênh hồ Sông Dinh 3 để tích nước đạt dung tích thiết kế, sớm phát huy hiện quả. Công trình đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2010-2015, hiện nay đã hoàn thành phần đầu mối và hệ thống kênh chính nhưng còn thiếu kinh phí đền bù lòng hồ. Xem xét đưa dự án phòng chống lũ lụt, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu sông Cà Ty, đoạn chảy qua thành phố Phan Thiết vào “Danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo chương trình hỗ trợ, ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC)” và ghi vốn cho các dự án cấp bách theo chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Xây dựng các khu tránh bão cho tàu cá cửa sông Ba Đăng, Mũi Né, Chí Công. Xây dựng hệ thống đê, kè ngăn mặn, chống xâm thực và xói lở bờ biển tại các cửa sông và địa bàn ven biển xung yếu.

Sớm hỗ trợ tỉnh triển khai các chương trình, dự án bức xúc như tập trung nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh trong việc phòng chống bệnh đốm nâu và mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long. Nghiên cứu đa dạng hóa các nguồn tài chính cho hoạt động lâm nghiệp gắn với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh tiếp cận các nguồn vốn để phát triển lâm nghiệp bền vững. Đề nghị tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, hỗ trợ bổ sung tàu kiểm ngư cho tỉnh Bình Thuận để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế vi phạm xảy ra.

Về cơ chế, chính sách đối với phát triển năng lượng tái tạo. Để thực hiện tốt việc phát triển lĩnh vực điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), đề nghị Chính phủ sớm xem xét quyết định giá mua điện gió phù hợp, sớm ban hành giá mua điện mặt trời và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu tiên để phát triển điện năng lượng tái tạo. Giá mua điện năng lượng tái tạo hợp lý, dài hạn, có sức hấp dẫn để thu hút các tổ chức tài chính tham gia cho vay vốn triển khai dự án. Điện năng lượng tái tạo là các dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư (miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, tối đa 3 năm và 15 năm tiếp theo kể từ khi đi vào hoạt động. Thuế thu nhập doanh nghiệp miễn 4 năm đầu, 5% mỗi năm trong 9 năm tiếp theo, 10% mỗi năm cho những năm tiếp theo; miễn thuế xuất nhập khẩu thiết bị, máy móc; nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng đến chân hàng rào,…). Do vậy, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ riêng đối với các tỉnh phát triển điện năng tái tạo. Đối với các dự án điện gió và điện mặt trời nằm trong vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan trong tầng cát đỏ, đề nghị Chính phủ có chủ trương chung ưu tiên cho các dự án điện gió và điện mặt trời được thực hiện sớm, UBND tỉnh được xem xét quyết định chủ trương đầu tư mà không phải có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận triển khai đầu tư cho từng dự án riêng lẻ đang thực hiện hiện nay.

Đầu tư hồ La Ngà 3 và dừng đầu tư dự án thủy điện La Ngâu. Hồ La Ngà 3 theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận là công trình thủy lợi chiến lược tạo nguồn nước để phát triển kinh tế phía Nam tỉnh trong những năm tới. Nhiệm vụ đầu tư công trình hồ La Ngà 3 để giải quyết nước phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, sản xuất nông nghiệp của 3 huyện: Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý mở rộng kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy lợi đập Tà Pao (đang thi công) để lấy nước từ hồ La Ngà 3 chuyển vào hồ Biển Lạc đi qua kênh Biển Lạc – Hàm Tân (đang thi công) bổ sung tưới cho 1.500 ha, cấp nước cho khu công nghiệp Tân Đức, Tân Phúc và bổ sung nguồn nước cho hồ Sông Dinh 3 (huyện Hàm Tân). Trong khi đó, Nhà máy thủy điện La Ngâu là công trình sử dụng nguồn nước xả của Nhà máy thủy điện Đa Mi, công trình chỉ có nhiệm vụ phát điện với công suất lắp máy 46MW, tương ứng sản lượng điện 204 triệu KWh/năm. Đây là công trình thuộc dạng thủy điện nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp so với xây dựng hồ La Ngà 3 nhất là về mục tiêu có tính chất an sinh xã hội. Do đó tỉnh đề nghị các bộ, ngành trung ương xem xét, kiến nghị Chính phủ có chủ trương đầu tư hồ La Ngà 3 và dừng đầu tư dự án thủy điện La Ngâu.

Về các cơ chế hỗ trợ cho địa phương về kêu gọi, thu hút các dự án công nghệ cao, UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”, trong đó có quy hoạch đầu tư 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hàm Minh – quy mô 52 ha và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Chí Công – giai đoạn 1: 50 – 60 ha, giai đoạn 2: 154 ha). Đã có Công văn số 1346/UBND-KTN, ngày 26/4/2016 của UBND tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để Bình Thuận có điều kiện và nguồn lực triển khai thực hiện.

Các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, xét đến năm 2030. Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013 thì trên địa bàn Bình Thuận có 25 khu vực đưa vào quy hoạch với tổng diện tích 19.339 ha, trong đó có 6 khu vực đã cấp giấy phép khai thác với diện tích 1.962 ha. 12 khu vực đã cấp giấy phép thăm dò với diện tích 10.236 ha và 7 khu vực chưa cấp phép hoạt động khoáng sản với diện tích 7.141 ha. Trong quá trình triển khai có một số khó khăn cần giải quyết cụ thể như sau: Trong 19.339 ha đưa vào quy hoạch titan, có chồng lấn 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã được chấp thuận với tổng diện tích 4.576 ha (chồng lấn tập trung tầng cát xám dọc ven biển). Tuy nhiên, hiện nay việc cấp phép khai thác và thời gian khai thác kết thúc chưa cụ thể, nên gây bức xúc cho các nhà đầu tư lĩnh vực khác vì phải chờ đợi, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét giải quyết. Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 6/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, theo đó trên địa bàn Bình Thuận có 6 khu vực khoáng sản titan với diện tích 827km2 đưa vào dự trữ khoáng sản quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng đất. Trong thời gian dự trữ, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn, theo hướng cho phép UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư các dự án khác, như điện mặt trời, điện gió, du lịch… để khai thác diện tích quỹ đất đưa vào dự trữ; đối với các dự án khai thác khoáng sản titan thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với tỉnh thanh tra, kiểm tra kịp thời hướng dẫn, xử lý các sai phạm nếu có...

TrẦn Thi