Một năm nắm quyền “nhiều sóng gió” của Tổng thống Pháp Macron
Quốc tế - Ngày đăng : 08:55, 08/05/2018
Cách đây tròn 1 năm, ngày 7/5/2017, ông Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử thứ 2, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017, trước đối thủ của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen, để trở thành Tổng thống thứ 25 của Cộng hòa Pháp, khi mới 39 tuổi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP. |
Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức, ông Macron luôn thể hiện hình ảnh một vị Tổng thống trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết và quyết liệt trong phong cách lãnh đạo, đồng thời tinh tế trong ngoại giao. Các nỗ lực trong cải cách toàn diện nước Pháp hay trong lĩnh vực ngoại giao của ông Macron bước đầu để lại ấn tượng nhưng cũng làm bộc lộ một số vấn đề mà ông Macron và chính phủ Pháp sẽ còn cần thời gian để giải quyết.
Trong chính sách đối nội
Tổng thống Macron đã nỗ lực thực hiện các cam kết trong chương trình tranh cử, trong đó có các nỗ lực cải cách sâu rộng và toàn diện nước Pháp từ đề xuất cải cách Hiến pháp, cải cách luật lao động, cải cách tư pháp, luật tỵ nạn và nhập cư, đến các cải cách xã hội như cải cách công ty đường sắt quốc gia (SNCF) hay cải cách giáo dục đại học.
Nếu như các đời Tổng thống Pháp trước đây ít khi tiến hành cải cách trong thời gian đầu của nhiệm kỳ thì ông Macron không những đã mạnh dạn cải cách mà còn nhằm vào những vấn đề mang tính nền tảng của nước Pháp. Đây là điều khiến cho vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp trở nên khác biệt so với những người tiền nhiệm như các ông Francois Hollande, Nicolas Sarkozy hay Jacques Chirac.
Theo thống kê của báo Thế giới (Le Monde), nhật báo hàng đầu nước Pháp, trong tổng số 85 đề xuất cải cách của ông Macron trước khi lên làm Tổng thống, sau 1 năm, đã có 8 đề xuất được thực hiện thành công, 45 đề xuất đang triển khai, 6 đề xuất được thực hiện một phần, 24 đề xuất đang thực hiện nhưng chưa đạt kết quả và 2 đề xuất thất bại.
Nhiều chính sách mới nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Theo kết quả một cuộc điều tra đăng tải trên nhật báo Thế giới, được tiến hành trên hơn 13.500 người, 68% những người đã bỏ phiếu cho ông Macron ở vòng 1 và 56% ở vòng 2 cuộc bầu của Tổng thống năm 2017 đánh giá các chính sách của Chính phủ dưới thời Macron là tích cực.
Bên cạnh đó, 93% những người ủng hộ đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) và 66% người ủng hộ Phong trào Dân chủ (MoDem), liên minh đa số với LREM trong nghị viện, cũng đánh giá tích cực những kết quả đạt được của Chính phủ cho đến thời điểm hiện tại. Thậm chí, những người ủng hộ các đảng ngoài liên minh cầm quyền cũng đánh giá tích cực những gì Chính phủ Pháp và Tổng thống Macron thể hiện trong 01 năm qua, trong đó có 68% số người ủng hộ Liên minh Dân chủ Độc lập (UDI), 51% số người ủng hộ đảng Những người Cộng hòa (LR) hay 41% số người ủng hộ đảng Xã hội (PS).
Bên cạnh đó, nhiều cải cách của chính phủ dưới thời Macron được người dân Pháp đánh giá đang đi đúng hướng như chính sách đối ngoại (63%), hỗ trợ doanh nghiệp (61%), chính sách với Liên minh Châu Âu (60%), chính sách chống khủng bố (57%) hay cải cách đời sống chính trị (50%).
Tuy nhiên, một số chính sách dưới thời Tổng thống Macron đã tạo ra những mâu thuẫn không nhỏ trong chính giới, thậm chí là trong nội bộ liên minh cầm quyền, cùng với đó là sự phản đối của một bộ phận người dân Pháp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn mà những lĩnh vực công việc trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các cải cách của Chính phủ Pháp.
Nhiều thành viên của liên minh cầm quyền đã công khai phản đối và bỏ phiếu chống các cải cách của Chính phủ. Bên cạnh đó, hàng loạt các cuộc biểu tình, đình công, tuần hành diễn ra trong suốt 01 năm qua, trong mọi lĩnh vực, trên toàn lãnh thổ Pháp, có thời điểm đã bùng phát bạo lực, là những minh chứng cho sự phản đối với các chính sách của Chính phủ.
Phản ứng của người dân trước nhiều cải cách là một phần nguyên nhân khiến chỉ số tín nhiệm đối với ông Macron và Chính phủ Pháp đã giảm tương đối sau 1 năm qua. Theo những cơ quan điều tra khác nhau, tiến hành một cách độc lập, kết quả này có thể khác nhau đôi chút nhưng giao động từ 36-45%, giảm từ 21-30% so với thời điểm ông Macron đắc cử (66,1 %). Bên cạnh đó, một phần không nhỏ người dân Pháp cho rằng từ khi ông Macron lên nắm quyền, nước Pháp không thay đổi gì so với trước, thậm chí còn tệ hơn.
Bên cạnh các chính sách nhận được đa số ủng hộ của người dân, một số cải cách của Tổng thống Macron bị người dân đánh giá rất tiêu cực như chính sách về tỵ nạn và nhập cư (66%), chính sách về hệ thống hưu trí (70%), cải cách y tế (72%), cải thiện sức mua (78%) hay giảm bất bình đẳng xã hội (78%).
Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, ông Macron đang thể hiện là một Tổng thống của tầng lớp giàu có trong xã hội. Cùng với cam kết cải cách toàn diện nước Pháp, Tổng thống Macron cũng cam kết cải cách tầng lớp lãnh đạo trong chính phủ mà theo ông cần phải “hiện đại hóa”, những chính trị gia ở tầng lớp thượng lưu mà phong cách lãnh đạo đã không còn chiếm được sự tin tưởng của người dân.
Tuy nhiên, kể từ khi lên cầm quyền, vị trí lãnh đạo các cơ quan chủ chốt của Pháp được bổ nhiệm trong 1 năm qua phần lớn lại là những người xuất thân từ tầng lớp thượng lưu và doanh nhân. Chính vì điều này mà giới phân tích Pháp cho rằng, cuộc cách mạng trong chính giới của Tổng thống Macron đã thất bại và đầu hàng trước tầng lớp giàu có của nước Pháp.
Trong chính sách đối ngoại
Có thể nói đối ngoại là một lĩnh vực ấn tượng của Tổng thống Macron trong 1 năm vừa qua. Thông qua các chuyến thăm nước ngoài (Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Australia) hay đón tiếp lãnh đạo các nước tại Pháp (Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng…), Tổng thống Macron luôn thể hiện là một lãnh đạo có phong cách ngoại giao tinh tế, biết tận dụng lịch sử quan hệ song phương, thông qua các món quà đặc biệt để tạo ấn tượng cá nhân, góp phần thắt chặt quan hệ song phương giữa Pháp và các nước.
Thông qua các hoạt động ngoại giao này, ông Macron không chỉ giúp Pháp tăng cường quan hệ song phương với các nước, mà còn giúp nước Pháp dần lấy lại hình ảnh và tầm quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, với phương châm “nước Mỹ trên hết”, đang thực hiện hàng loạt các biện pháp bảo hộ thương mại và các chính sách có lợi cho nước Mỹ thì Pháp là quốc gia giương cao ngọn cờ hội nhập, bảo vệ tự do thương mại (đi đầu trong góp phần giải quyết các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU), tiếp tục đi tiên phong trong vấn đề biến đổi khí hậu và nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran, một thỏa thuận mà phải rất khó khăn các bên mới có thể đạt được.
Bên cạnh đó, việc cùng Mỹ và Anh không kích các cơ sở nghi sản xuất vũ khí hóa học tại Syria cũng là động thái thể hiện nỗ lực của Pháp nhằm nâng tầm nước này trong quan hệ quốc tế.
Phong cách ngoại giao của cá nhân Tổng thống Macron có thể được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, chính sách của Pháp trong các vấn đề quốc tế còn nhiều điểm chưa đạt kết quả như mong muốn. Đầu tiên phải kể đến là việc ông Macron đã không thể thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi ý định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, thay vào đó, có vẻ Tổng thống Pháp đã phải nghiêng theo chính sách của Mỹ khi đề cập về một thỏa thuận mới với các nội dung tham vọng hơn. Bên cạnh đó, nước Pháp cùng với Đức còn chưa tìm được đồng thuận trong cải cách Liên minh Châu Âu và Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Hiện tại, còn quá sớm để khẳng định các cải cách trong nước và các chính sách đối ngoại của Tổng thống Macon có thành công hay không. Tuy nhiên, với những bước đi trong 1 năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Macron đang cho thấy sự khác biệt so với những người tiền nhiệm, tạo được ấn tượng đối với quốc tế.
Trong thời gian tới, con đường đưa Pháp trở lại mạnh mẽ trong các diễn đàn quốc tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thử thách không nhỏ sẽ chờ đợi Tổng thống Macron trong việc tiếp tục thực hiện các cam kết cải cách, đồng thời hướng tới những năm tiếp theo trong nhiệm kỳ Tổng thống.
Huỳnh Điệp/VOV