Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc giữa “tâm bão” thương mại
Quốc tế - Ngày đăng : 14:44, 22/06/2018
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến có chuyến thăm chính thức Trung Quốc tuần tới. Nhưng triển vọng của chuyến thăm này bị phủ bóng đen vì những tranh cãi an ninh và thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. (Ảnh: Reuters) |
Vấn đề lòng tin
“Chính phủ Mỹ không chỉ ‘nói một đằng, làm một nẻo’ mà nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump còn đưa ra những ý tưởng về chủ nghĩa bá quyền và quân phiệt với niềm tin rằng họ có quyền sử dụng vũ lực” – ông Ba Danjun, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á của trường Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, nhận định trên trang Spunik (Nga).
Ông nêu rõ: “Họ tuân theo nguyên tắc rằng, nước Mỹ cần phải đảm bảo an ninh của chính mình trong khi các nước khác thì có thể không an toàn. Trong bối cảnh này, rất khó để Trung Quốc và Mỹ có thể tìm được tiếng nói chung, dù là vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay Biển Đông”.
Ông Ba Danjin cho rằng Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa khu vực. Tuy nhiên, có những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến tiến trình và điều khoản phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Học giả Trung Quốc chỉ ra rằng, Trung Quốc hy vọng Bình Nhưỡng sẽ phá hủy khả năng hạt nhân của nước này trong thời gian ngắn nhất có thể và sẽ cho phép các thanh sát viên tiến hành tất cả các cuộc điều tra cần thiết để đảm bảo tiến trình này là không thể đảo ngược.
Theo ông Ba Danjin, nước Mỹ vốn nổi tiếng chỉ củng cố lợi ích cho bản thân trong các cuộc đàm phán và đôi khi còn chối bỏ chính những thỏa thuận đã từng tham gia. Ông nhấn mạnh rằng điều này tạo ra sự bất ổn đáng kể trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như đối với tương lại quan hệ Mỹ-Trung.
Học giả Trung Quốc này cho rằng vấn đề Triều Tiên sẽ là trọng tâm trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Bắc Kinh tuần tới. Nhưng ông Ba Danjin tỏ ra khá bi quan về kết quả.
“Nếu một người vẫn còn giữ tư duy thời Chiến tranh Lạnh trong các vấn đề quốc tế thì sẽ không thể giúp Bán đảo này hay khu vực Đông Bắc Á và toàn bộ cộng đồng quốc tế đi đúng hướng” – ông Ba Danjin nêu rõ.
Hoàn cảnh đầy thách thức
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á và châu Phi (IAAS) của Nga Andrey Karneev cũng chia sẻ quan điểm với ông Ba Danjin.
“Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra trong hoàn cảnh đầy thách thức”, ông Karneev nhận định. Theo ông, “liên hệ giữa Bộ Quốc phòng 2 nước đã nguội lạnh gần như đến độ đóng băng”, ám chỉ đến việc Lầu Năm Góc loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận ở Thái Bình Dương (RIMPAC) vào tháng 5/2018, một sự kiện thường niên vẫn có sự tham gia của Nhật Bản, Ấn Độ và các nước châu Á khác.
Viện dẫn hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố rằng hành vi của Bắc Kinh là “không nhất quán với các nguyên tắc và mục đích của tập trận RIMPAC”.
Thêm vào đó, ông Mattis còn là người có quan điểm khá cứng rắn với Bắc Kinh khi tuyên bố tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore hồi đầu tháng 6/2018 rằng, “chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn đối lập với sự cởi mở mà chiến lược của Mỹ muốn củng cố, điều đó đặt ra những câu hỏi về mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc”.
Ông Karneev nhấn mạnh rằng, việc Mỹ gần đây thúc đẩy quan hệ với chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng làm tình hình thêm phức tạp. Cụ thể là việc Mỹ vừa mở một cơ sở mới của Viện nghiên cứu Đài Loan (AIT) ở Đài Bắc, vốn bị Trung Quốc coi là một kiểu “đại sứ quán” của Mỹ ở vùng lãnh thổ này. Theo chính sách Một Trung Quốc, Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh của nước này và cảnh báo các nước khác không được thiết lập hay duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền ở Đài Bắc.
“Nếu chúng ta xem xét đến bối cảnh khó khăn hiện nay trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc và cuộc chiến thương mại mà theo nhiều người là không thể tránh khỏi, thì khó ai có thể hy vọng rằng 2 nước có thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề an ninh” – học giả Nga nhận định.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được cho là sẽ tác động đáng kể đến quyết định của Trung Quốc trong việc hợp tác với Mỹ trong những vẫn đề chung khác.
Nếu chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại đến mức hủy hoại nghiêm trọng quan hệ đôi bên thì rất có thể Trung Quốc sẽ cảm thấy bớt sẵn lòng hợp tác để gây áp lực với Triều Tiên” - Mintaro Oba, cựu quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nhận định.
Diệu Hương/VOV