CIA: Trung Quốc muốn thay Mỹ làm siêu cường số 1 thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 08:16, 22/07/2018
Một quan chức của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - Michael Collins, vừa tuyên bố rằng mục tiêu của các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp thế giới là nhằm thay thế Mỹ với tư cách là siêu cường số 1 thế giới.
Hình quốc kỳ Mỹ (trái) và Trung Quốc. Ảnh: Sick Chirpse. |
Tuyên bố của ông Michael Collins được đưa ra vào hôm 20/7 vừa qua tại Diễn đàn An ninh Aspen, trong một phiên họp liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Collins là Phó Trợ lý Giám đốc của Trung tâm Sứ mệnh Đông Á của CIA.
Ông Collins cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chính quyền của ông Tập đang phát động một cuộc “chiến tranh lạnh” nhằm vào Mỹ.
Theo ông Collins, đây là cuộc “chiến tranh lạnh” đơn thuần, không giống cuộc Chiến tranh Lạnh trong lịch sử (giữa Liên Xô và Mỹ - ND). Ông cho rằng Trung Quốc không muốn xung đột, mà chỉ muốn khai thác sức mạnh tổng hợp của họ ở các lĩnh vực để làm suy yếu đối thủ.
Michael Collins nói: Dựa vào các bài viết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì có thể thấy rằng Trung Quốc đặt ra cho Mỹ thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay, thậm chí còn hơn cả mối đe dọa từ Nga.
Bình luận do ông Collins đưa ra vào ngày thứ 3 của Diễn đàn An ninh Aspen đã lặp lại quan điểm của một số quan chức cấp cao khác của Mỹ tại đây, gồm Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray và Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats – hai vị này đều coi Trung Quốc là mối nguy hiểm đáng kể nhất đối với Mỹ ngày nay.
Trước đó, ông Wray nói như sau với các cử tọa: “Tôi nghĩ rằng trên khía cạnh phản gián thì Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau đặt ra mối đe dọa lớn nhất, thách thức nhất, đáng kể mà chúng tôi đối mặt hiện nay với tư cách một đất nước”.
Giám đốc FBI cho rằng Trung Quốc đang tiến hành thu thập tình báo một cách toàn diện, cả kinh tế và truyền thống, cả bằng con người và bằng công cụ mạng.
Còn ông Coats thì cho rằng Mỹ cần xác định liệu Trung Quốc có phải là “một đối thủ cạnh tranh hợp pháp” hay không. Ông này chỉ trích cái mà ông gọi là nỗ lực của Trung Quốc trong việc đánh cắp bí mật thương mại và các nghiên cứu học thuật.
Sức mạnh phòng thủ của Trung Quốc
Marcel Lettre, một cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về tình báo, cho rằng các chiến dịch gây ảnh hưởng mà trong đó giới chức Trung Quốc sử dụng các chiến lược chính trị-tài chính-quân sự để thiết lập và củng cố sự hiện diện của nước này tại các nước trong khu vực và cả bên ngoài nữa, chỉ là một công cụ mà Trung Quốc đang dùng trong nỗ lực tổng thể lớn hơn để mở rộng ra bên ngoài.
Ông Lettre nêu rõ: Trung Quốc “là một nước có ngân sách quốc phòng toàn cầu lớn thứ 2 thế giới, lực lượng lục quân thường trực lớn nhất thế giới, lực lượng không quân lớn thứ 3 thế giới và một lực lượng hải quân với 300 tàu, gồm hơn 60 tàu ngầm”. Và họ vẫn đang trong quá trình nâng cấp và hiện đại hóa.
Hồi tháng 5, Trung Quốc công bố tàu sân bay tự chế đầu tiên của mình, nặng tới 50.000 tấn. Chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên của tàu này diễn ra sau một bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vào ngày 12/4, trong đó ông Tập công bố các kế hoạch xây dựng một lực lượng hải quân “đẳng cấp thế giới” cho Trung Quốc.
Đồng thời, Trung Quốc đã thiết lập các cảng dọc theo Ấn Độ Dương, mở rộng tới Djibouti, nơi vào năm 2017 Trung Quốc đã triển khai 2 chiến hạm chở theo một lượng binh sĩ tới căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở hải ngoại.
Trong các năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng (trái phép) một số đảo nhân tạo ở Biển Đông, đặt lên đó các thiết bị quân sự, bao gồm radar và đường băng.
Trung Quốc nhanh nhạy trong việc chớp cơ hội
Michael Collins cho rằng vụ tấn công khủng bố 11/9 là một ví dụ điển hình cho thấy trong lúc thế giới bị cuốn vào sự kiện đó thì Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình trong suốt một thập kỷ từ đó.
Vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Mỹ tập trung nhiều vào Trung Đông và chìm vào cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi đó Trung Quốc đã mở rộng không ngừng ảnh hưởng của mình ở châu Phi và ở châu Mỹ Latin.
Tuy nhiên, Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng quyền lực mềm của Mỹ vẫn mạnh và hấp dẫn hơn của Trung Quốc. Nhân vật này cho rằng Mỹ cần tiếp tục làm những thứ mà họ có lợi thế, đã làm tốt, để xác lập chắc chắn ưu thế của “hệ thống Mỹ” trước “hệ thống Trung Quốc”.
Trung Hiếu/VOV