EU kích hoạt điều luật phòng vệ tránh tác động việc Mỹ trừng phạt Iran

Quốc tế - Ngày đăng : 15:20, 07/08/2018

Liên minh châu Âu đã kích hoạt điều luật phòng vệ để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Ngay sau khi chính quyền Mỹ áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, Liên minh châu Âu đã kích hoạt điều luật phòng vệ để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động của các lệnh trừng phạt này. Tuy nhiên, giới phân tích đều nhận định, đây chỉ là động thái mang ý nghĩ chính trị chứ không có tác dụng thực chất.

                
      
      Cờ EU và cờ Mỹ treo    tại trụ sở EU ở Brussels. Ảnh: AFP.

Gần như ngay lập tức sau khi chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, Liên minh châu Âu đã kích hoạt điều luật phòng vệ hay còn gọi là “luật phong toả” nhằm trả đũa quyết định từ phía Mỹ.

Nội dung chính của điều luật này là cấm tất cả các công ty châu Âu tuân thủ các lệnh trừng phạt có hiệu lực liên lãnh thổ từ phía Mỹ, tức là một công ty châu Âu sẽ bị trừng phạt nếu như rút khỏi các dự án kinh tế với Iran do sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đồng thời, một điều khoản quan trọng khác của điều luật này là việc các công ty châu Âu sẽ được bù đắp thiệt hại gây ra do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mức độ bù đắp thiệt hại sẽ do một thẩm phán châu Âu quyết định.

Đây được xem là phản ứng mạnh mẽ mà châu Âu muốn gửi đến chính quyền Mỹ của ông Donald Trump, nhằm phản đối chính sách đơn phương và độc đoán của Mỹ trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia luật và kinh tế tại châu Âu đều nhận định, “luật phong toả” mà Liên minh châu Âu vừa đưa ra có rất ít tác dụng trên thực tế.

Về mặt lịch sử, “điều luật phong toả” mà EU vừa đưa ra chính là việc tái áp dụng luật phong toả năm 1996 mà khối này xây dựng nhằm giảm thiểu các tác động từ lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào các nước như Cuba, Lybia hay Iran. Tuy nhiên, khi đó EU và Mỹ đã đạt được các thoả thuận chính trị nên trên thực tế, “luật phong toả” cũng chưa từng được EU đưa vào thực hiện.

Tiếp đến, việc điều luật này được soạn thảo một cách rất chung chung khiến các luật gia rất khó khăn trong việc xác định một cách thực sự là điều khoản trong luật này sẽ được thực thi ra sao.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của điều luật này là thiếu tính thực tiễn. Về mặt lý thuyết, “luật phong toả” sẽ giúp các công ty châu Âu không phải tuân thủ các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ nhưng trên thực tế, một thẩm phán Mỹ vẫn có đầy đủ quyền lực để phong toả tài sản hiện diện trên đất Mỹ của các công ty châu Âu có quan hệ kinh tế với Iran.

Trong trường hợp này, một công ty châu Âu có quyền kiện chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, thực tiễn pháp lý cho thấy đây là một hành động bất khả thi, kéo dài nhiều năm mà hầu như không thể hy vọng đạt được kết quả.

Cuối cùng, bản thân các quốc gia thành viên EU cũng chưa trang bị đầy đủ các vũ khí pháp lý và chính trị để thực hiện “luật phong toả” này của EU. Cụ thể, trong “luật phong toả” có quy định một công ty châu Âu không tuân thủ luật này sẽ bị quốc gia của công ty đó trừng phạt, nhưng trong luật của nhiều nước, như Pháp, lại chưa hề có các điều khoản quy định việc này.

“Và về mặt chính trị, có ai tin là chính quyền Pháp sẽ trừng phạt tập đoàn Total vì rút khỏi Iran?” – Olivier Dorgans, một luật gia thuộc Đoàn luật sư Paris, phân tích.

Ở quy mô toàn Liên minh châu Âu, “luật phong toả” của EU cũng tạo ra nhiều bất đồng. Chính quyền Pháp từng đề nghị mọi nước thành viên EU sẽ bù đắp cho các công ty nước mình khoản tài chính ngang với mức thiệt hại mà công ty đó phải gánh chịu do lệnh trừng phạt Iran từ phía Mỹ. Tuy nhiên, đa số các nước đều không hưởng ứng sáng kiến này của Pháp.

Một giải pháp khác ở tầm châu Âu cũng gặp thất bại, đó là việc EU cho phép Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) đầu tư vào Iran để tài trợ cho các công ty châu Âu làm ăn tại Iran mà không thông qua đồng USD. Nhưng, chính Ngân hàng EIB đã từ chối sáng kiến này vì lo ngại phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ chính quyền Mỹ.

Vì thế, về tổng thể, châu Âu vẫn chưa thể có một chiến lược đủ sức mạnh để đối trọng với chính sách Mỹ với Iran và để cứu vãn thoả thuận hạt nhân Iran 2015 mà châu Âu là tác nhân góp phần quyết định.

Quang Dũng/VOV