Máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay sát các đảo ở Biển Đông

Quốc tế - Ngày đăng : 14:39, 21/11/2018

Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ vừa cho hay, hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay sát khu vực các đảo ở Biển Đông.

Thông cáo của lực lượng không quân Mỹ viết: “Hai oanh tạc cơ pháo đài bay B-52H của Không quân Mỹ đã rời căn cứ không quân Andersen, Guam, và tham gia sứ mệnh huấn luyện thường lệ ở gần Biển Đông”.

                
      
      Máy bay B-52. Ảnh:    Không quân Mỹ.

Thông báo trên nêu thêm: “Sứ mệnh mới đây vẫn nhất quán với luật pháp quốc tế cũng như cam kết từ lâu của Mỹ về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở”.

Trong khi Washington thường điều phi cơ ném bom hạng nặng bay gần Biển Đông, coi đó là sứ mệnh “Hiện diện oanh tạc cơ liên tục” thì Bắc Kinh lại đặc biệt nhạy cảm về sự hiện diện quân sự của Mỹ gần khu vực này, nơi chính quyền Trung Quốc đã xây trái phép các đảo nhân tạo và thiết lập phi pháp các vũ khí khí tài trên đó.

Hồi tháng 9, một tàu chiến Trung Quốc đã tiến sát vào phạm vi 42m tính từ tàu khu trục USS Decatur, buộc tàu chiến Mỹ phải cơ động để tránh va chạm. Khi đó hải quân Mỹ đã gọi hành động của tàu chiến Trung Quốc là “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”.

Sự cố xảy ra lúc chiến hạm Decatur đang thực hiện “hoạt động tự do hàng hải”, theo đó tàu Mỹ sẽ đi vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh một số rạn san hô ở Biển Đông.

Mỹ tố cáo Trung Quốc triển khai tên lửa diệt hạm, thiết bị gây nhiễu điện tử và tên lửa đất đối không tới khu vực đảo mà họ chiếm giữ trái phép ở Biển Đông.

Đô đốc hải quân Mỹ Phil Davidson – tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định tại diễn đàn an ninh quốc tế Halifax ở Nova Scotia vào ngày 17/11 như sau: Việc Trung Quốc bố trí tên lửa ở đây có thể giúp họ có tiềm năng kiểm soát vùng biển quốc tế và vùng trời quốc tế, nơi hơn 3.000 tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm.

Đô đốc Davidson cho biết thêm: “Trung Quốc biện hộ rằng họ đang quân sự hóa các thực thể này nhằm bảo vệ cái mà họ gọi là chủ quyền của họ, nhưng khi làm vậy họ lại vi phạm quyền của các quốc gia khác được bay máy bay và đi tàu thủy, được hoạt động theo luật pháp quốc tế - đó là quyền của mọi quốc gia được buôn bán, liên lạc, được gửi thông tin tài chính, được truyền tin thông qua hệ thống cáp dưới biển”.

Trung Hiếu/VOV